Pages

TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Từ một tác phẩm, hiểu thêm tấm lòng “thi tướng” Phạm Quốc Trung

BÀI VIẾT KỶ NIỆM 40 NĂM  THÀNH LẬP TRƯỜNG SĨ QUAN CHÍNH TRỊ:


Có người từng nói, đại ý: Xưa nay, phàm những người yêu thơ, thích thơ, say đắm với “nàng thơ” thường là những người có đời sống nội tâm sâu sắc, yêu thương con người, nặng lòng với nhân tình thế thái. Bởi thơ là tiếng lòng của người trong cuộc. Tiếng lòng ấy càng nồng ấm, ngọt ngào, sâu sắc bao nhiêu thì bài thơ càng dễ nhận được sự chia sẻ của bạn đọc bấy nhiêu. Tác giả Phạm Quốc Trung làm thơ không nhiều. Anh cũng không dám nhận mình là nhà thơ, mà chỉ là người yêu thơ. Và trong những lúc lắng lòng nhất, xúc động nhất, anh đã cảm tác được một số bài thơ về tình đồng chí, đồng đội rất dễ “neo” vào tâm hồn người đọc, “40 mùa chim xây tổ” là một trong số những bài thơ như thế.

          Ngay tên bài thơ đã là một hình ảnh khá gợi cảm, giàu sức liên tưởng. Ông cha ta có câu “Chim có tổ, người có tông, nước có cội, sông có nguồn”. Hàm ý là bất kể sự vật, hiện tượng nào trong cuộc sống này cũng có gốc gác, nguồn cội, xuất phát điểm của nó. Chim không chỉ biết bay về tổ, tìm về tổ, mà còn lặng lẽ cùng vun vén, xây đắp cho tổ ấm của mình. Nghĩa cử ấy diễn ra tự nhiên, nhưng lại thể hiện ý nghĩa nhân sinh sâu sắc khi ai đó biết nâng niu và quý trọng nguồn cội. Vậy nên, cái tên bài thơ đã phần nào đã nói lên tâm nguyện, tiếng lòng của tác giả khi kèm theo ghi chú “Tặng mái trường tuổi 40”.
          Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ khá mượt mà, tinh tế: “Màu thời gian thấm đậm lớp rêu phong/ Đẹp nguyên sơ mái trường Thành Cổ/ Cây phượng già đã bao mùa hoa đỏ/ Tiễn vạn bước chân đi bốn phương trời”.
          Đoạn thơ như đưa người đọc trở về thời gian của ký ức, của những kỷ niệm xa xưa, mà đã là ký ức, kỷ niệm thì bao giờ cũng vương vấn, cũng khó nhạt phai trong tâm trí con người. Với mỗi cán bộ, giảng viên, học viên của Nhà trường, hình ảnh chiếc cổng Thành cổ Nhà Nguyễn đã tồn tại xuyên qua ba thế kỷ là hình ảnh vô cùng gần gũi, thân thương, nên “tạc” vào trái tim họ trong cuộc đời quân ngũ. Dù trải qua bao dãi dầu mưa nắng, dù thời gian có phủ lên một lớp rêu phong, song vòm cổng Thành dưới tán cây si hàng trăm năm tuổi tỏa bóng sum suê qua bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, đã trở thành biểu tượng niềm thương nỗi nhớ của mỗi người khi chia tay Mái trường thân yêu. Đoạn thơ này có mấy ý hay: Hay ở chỗ đã kết hợp được cả cảnh và tình, cảnh xưa cũ mà tình người sâu lắng; hay ở sự ngưng đọng của thời gian “thẫm đậm lớp rêu phong”, của “cây phượng già”, mà không gian thì khoáng đạt và bay bổng, vì có những chùm hoa phượng đỏ rực đã từng chứng kiến khoảnh khắc lưu luyến chia tay, tiễn đưa hàng vạn học viên tốt nghiệp ra trường tỏa đi khắp bốn phương trời để góp sức dựng xây quân đội, gìn giữ gấm vóc giang sơn. Cây phượng, hoa phượng vốn gắn liền với tuổi học trò của con người. Bởi thế, hình ảnh “cây phượng già đã bao mùa hoa đỏ” là một chi tiết tinh tế, dễ gợi lại những ký ức tươi đẹp cho tất cả những ai đã từng học tập dưới Mái trường này.
“Sắc màu nhân văn lan tỏa nơi nơi/ Bên cây súng luôn có đàn, có sách/ Khi Tổ quốc cần, máu xương không tiếc/ Nguyện nằm lại biên cương, mãi mãi không về…”.
Đọc những vần thơ nhẹ nhàng này, tôi lại bị ám ảnh, xúc động bởi những câu thơ mà tác giả Phạm Quốc Trung đã viết trong bài “Những giáo án vàng” trong dịp Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7-2013 (đã đăng trên Báo Quân đội nhân dân): “Tôi dâng hương tưởng niệm các Anh/ Hai mươi hai linh hồn liệt sĩ/ Những ánh hào quang Sĩ quan Chính trị/ Cùng xây đài hoa cho mái trường này/ Bài các Anh còn dang dở nơi đây/ Trang sách mở, chẳng bao giờ gấp lại/ Súng đỏ nòng viết nên bài học cuối/ Lời Điếu văn thay Quyết định ra trường”. Có thời một số người suy nghĩ phiến diện rằng, Sĩ quan chính trị là những người “đầu đội chủ trương, vai mang đường lối…”, hàm ý là chỉ biết nói, lý luận nhiều mà ít thực tiễn. Nhưng thực tế, để có những bài giảng hay, những trang giáo án đầy ắp hơi thở sống động của chiến trường, đã có 22 Anh hùng Liệt sĩ là giáo viên, học viên của Nhà trường đã ngã xuống. Đó vừa là cái đẹp nhân văn, vừa là cái đẹp bi tráng đã làm nên “linh hồn bất tử” của Nhà trường suốt 40 năm qua và còn tỏa sáng đến mai sau.
Những thăng trầm, những gian khó, những buồn vui của Nhà trường đã được tác giả thể hiện nỗi lòng chân thật của mình qua những câu thơ: “Bốn mươi năm vượt gian khó bộn bề/ Qua bao lần thay tên, nhập, tách/ Trăn trở, miệt mài bên từng trang sách/ Để lý luận gần hơn thực tiễn chiến trường”.
Từ hành trình gian nan vất vả đó, Nhà trường vẫn nỗ lực vươn lên, không ngừng hiện đại hóa để đáp ứng ngày càng cao với mục tiêu yêu cầu đào tạo: “Bài học hôm nay trên bục giảng đường/ Đèn trình chiếu thay dần bụi phấn”, và không gian văn hóa của nhà trường vẫn giữ được “hồn cốt” đặc trưng của một môi trường giáo dục nhân văn quân sự: “Hoa khoe sắc bên dây phơi áo lính/ Giúp thăng hoa câu “Quan họ yếm đào”.
Những khi Nhà trường “thay tên, đổi họ”, lòng người cũng có lúc xao động, tâm tư, song trên hết, những người gắn bó với Mái trường này chí vẫn kiên trung, tình vẫn sắt son, niềm tin với Đảng, với Nước, với Dân vẫn được các thế hệ trao truyền, nối tiếp nhau thật bình dị mà cũng rất đỗi thiêng liêng: “Mấy thế hệ chung bước dưới cờ sao/ Cây trái chín, nụ chồi tiếp nối/ Pho sử Trường mở sang trang mới/ Vẫn đậm tên ai xây móng, đắp nền”.
          Đoạn kết bài thơ là những câu xúc động: “Làn hương thờ các Liệt sĩ học viên/ Tỏa nhuộm màu xanh lá xà cừ cổ thụ/ Che bóng mát gọi chim về xây tổ/ Để một mai tung cánh hướng chân trời”. Những câu thơ này vừa có sức ám ảnh, vừa giàu sự liên tưởng. Ám ảnh ở chi tiết “làn hương thờ” của các Liệt sĩ học viên như những giọt nước ngọt lành đã tưới mát cho những hàng cây cổ thụ thêm “rễ sâu, chắc cành, xanh lá” để tỏa bóng gọi chim về xây tổ ấm. Sự liên tưởng sâu sắc ở chỗ: Nhờ có Anh linh của các Liệt sĩ phù hộ, Nhà trường đã hội tụ, dìu dắt, nâng bước bao thế hệ học viên trưởng thành, như những cánh chim vững vàng bay về khắp bốn phương trời.
          Có thể nói, bài thơ “40 mùa chim xây tổ” của tác giả Phạm Quốc Trung tuy chưa phải là “viên ngọc quý”, song cũng đã lấp lánh khá nhiều chi tiết hay, từ ngữ “đắt” và có những ý thơ giàu hình ảnh, có sức gợi. Nhưng hơn thế, nội dung bao trùm bài thơ là tình cảm tri ân sâu nặng, là tiếng lòng đằm thắm mà tác giả đã gửi gắm, chuyển tải vào từng câu chữ để mang đến người đọc (trước hết là cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong Nhà trường) một thông điệp: Có niềm vinh quang, hạnh phúc như hôm nay, xin đừng lãng quên hành trình gian khó mà bốn thập niên qua, những người từng gắn bó, học tập, công tác dưới Mái trường này đã trải qua và từng dày công vun đắp, bền bỉ tạo dựng nên “tổ ấm” này!
          Là người “đứng mũi chịu sào” ở một trong những nhà trường sĩ quan lớn nhất của Quân đội ta, dù hằng ngày bận bịu với bao việc trong công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành, nghiên cứu khoa học… mà Trung tướng, PGS.TS Phạm Quốc Trung vẫn biết “làm giàu” đời sống tâm hồn mình và “nuôi dưỡng” cảm xúc để ứng tác những vần thơ mềm mại, thân thương như thế, quả là điều rất đáng trân trọng. Tôi không sợ quá lời khi gọi anh là “thi tướng” ở Trường Sĩ quan Chính trị. Rồi mai đây, trong những trang sách văn học nghệ thuật của Nhà trường, trong những buổi giao lưu “cầm, kỳ, thi, họa”, trong những ngày lễ trọng như 14-1, 20-11, 22-12… những câu thơ hay, những vần thơ gợi cảm của anh sẽ tiếp tục khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ nối tiếp sáng tạo những thi phẩm hay về Mái trường mà một thời quân ngũ “thi tướng” Phạm Quốc Trung đã từng gắn bó, yêu thương.
Hà Nội, tháng 12-2015
Thượng tá NGUYỄN VĂN HẢI
(Phó trưởng Phòng biên tập Văn hóa- Thể thao, Báo Quân đội nhân dân.
Nguyên Học viên Tiểu đoàn 4, Trường SQCT, niên khóa 1993-1997)