Pages

TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

SÁCH BÊN HOA, ĐÀN BÊN SÚNG

Ghi chép - NGUYỄN VĂN HẢI[*]

          Mỗi lần trở lại Trường Sĩ quan Chính trị (còn gọi là Trường Đại học Chính trị), tôi luôn mang tâm trạng của một người đi xa về thăm quê cũ. Trở về mái trường thân yêu, thầy xưa bạn cũ vẫn còn đó. Những cái bắt tay thân thiết, những nụ cười hồn hậu, những câu chuyện buồn vui, sôi nổi một thuở lại ùa về, lại xôn xao, díu dan như không muốn dứt. Dẫu tôi đã xa trường hơn 16 năm, nhưng bao kỷ niệm tươi rói của thời học viên “quần dạ, áo K82, cầu vai đỏ” vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Chỉ lạ thay, Thị xã nhỏ bé ngày nào, mới chưa đầy hai thập kỷ mà đã biến thành một đô thị hiện đại, sầm uất ngoài sức tưởng tượng của tôi. Duy nhất có chiếc cổng Thành xuyên qua ba thế kỷ nằm trên địa bàn thành phố Bắc Ninh - cũng là lối cổng chính vào Trường Sĩ quan Chính trị - vẫn mang vẻ trầm tư, cổ kính như xưa. Suốt mấy chục năm ròng, trong khi các học viện, nhà trường khác đã xây cất tòa ngang dãy dọc với những ngôi nhà cao tầng khang trang, thì cái nôi đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội lớn nhất nước, vẫn “thủy chung” với những ngôi nhà đơn sơ từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước.
Như hiểu được nỗi niềm băn khoăn của cậu học viên cũ trước cơ sở vật chất, doanh trại, giảng đường của Nhà trường chưa tương xứng với vị thế hiện có, Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Nhà trường, giọng như thủ thỉ, chân tình: “Không phải em đâu, mà nhiều năm qua, Thủ trưởng cấp trên cũng đã biết, đã cảm thông với điều kiện ăn ở, sinh hoạt của Nhà trường. Cũng chỉ vì lịch sử “nhập vào, tách ra” và chuẩn bị ít năm nữa di dời sang cơ sở đào tạo mới ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) mà cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Nhà trường đành chấp nhận với những khó khăn hiện tại. Nhưng tôi muốn thông báo cho em một tin vui”.
- Thưa thầy, tin vui gì ạ? - Tôi hỏi.
Trung tướng Phạm Quốc Trung phấn chấn:
- Cách đây mấy hôm, Nhà trường vừa thêm 3 cán bộ, giảng viên có quyết định phong hàm Phó Giáo sư. Đến nay toàn trường có 5 Phó Giáo sư, 25 Tiến sĩ và 39% giảng viên có trình độ sau đại học. Đặc biệt, tháng 8 vừa qua,  Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép Nhà trường đào tạo trình độ thạc sĩ 3 chuyên ngành: Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước. Cùng với xúc tiến mọi mặt để triển khai nhiệm vụ mới này, Nhà trường vẫn lấy cái cốt là phải đào tạo cho quân đội một đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội có chất lượng, đủ sức hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện đối với 21 đối tượng đang học tập tại Trường.
Trung tướng Phạm Quốc Trung dí dỏm ví von thêm: Nếu nói chặng đường lịch sử gần 40 năm của Nhà trường như một chặng đường leo núi, có đoạn ghập ghềnh, có đoạn quanh co, nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả những gian nan đó và hiện đang “leo” dần lên đỉnh. Và nếu nhìn doanh trại, cơ sở hạ tầng bên ngoài thì Nhà trường hầu như vẫn y nguyên, nhưng nội lực thì Nhà trường đã có sự đổi mới, bứt phá chưa từng thấy: Quy mô đào tạo không ngừng mở rộng, đối tượng đào tạo tăng, trình độ đào tạo nâng cao và chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên đã có bước tiến xa so với chục năm về trước.
Để củng cố thêm niềm tin những lời thầy Hiệu trưởng chia sẻ, tôi đến Khoa Sư phạm quân sự, một trong những khoa giáo viên “có tiếng” của Nhà trường về trình độ và chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Qua trò chuyện, Đại tá, TS, Nguyễn Văn Chung, Chủ nhiệm Khoa cho biết, hiện nay Khoa có 75% giảng viên trình độ sau đại học, trong đó 20% Tiến sĩ. “Nhưng trình độ chỉ là phần cứng - Thầy Chung tâm sự - điều mà tôi thường nói với anh em là người thầy phải thường xuyên tự học, tự nghiên cứu để không ngừng làm giàu kiến thức cho chính mình. Trong thời đại văn minh trí tuệ hiện nay, không chỉ học viên, mà chính những người thầy nếu không tự học, không biết cách học cũng sẽ trở nên lạc hậu, dễ bị đào thải”. Và qua trò chuyện, tôi biết thầy Chung vừa có chuyến tìm hiểu 10 ngày tại một số cơ sở đào tạo sĩ quan của Hàn Quốc và Nhật Bản. Tôi hỏi thầy Chung: “Qua nhiều năm đứng trên bục giảng và tìm hiểu kinh nghiệm từ nước ngoài, theo thầy, trong điều kiện hiện nay, học viên sĩ quan chính trị cấp phân đội cần được trang bị những vấn đề gì cốt lõi nhất”? Thầy Chung cho biết, có 3 điều cốt lõi là: Độ rộng và tầm sâu của trí thức; năng lực sáng tạo và kỹ năng thực hành; sự trưởng thành về mặt nhân cách. Hay có thể nói gọn lại là cần trang bị 4 giá trị cho học viên: Kiến thức, kỹ năng, phương pháp và thái độ. Nếu thiếu bốn giá trị này, người cán bộ chính trị cấp phân đội khó có thể đảm nhiệm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đặt ra yêu cầu như vậy, những năm gần đây, không chỉ Khoa Sư phạm quân sự, mà các khoa giáo viên, các cơ quan chức năng và các đơn vị quản lý học viên của Nhà trường đều “vào cuộc” để góp phần hình thành, xây dựng, phát triển những phẩm chất, giá trị đặc trưng của người cán bộ chính trị tương lai cho học viên. Nếu như các khoa giáo viên chú trọng trang bị kiến thức toàn diện, tạo dựng phương pháp học tập đúng đắn, sáng tạo cho người học, thì các các hệ, các tiểu đoàn thường xuyên chăm lo rèn luyện những “kỹ năng mềm” và nâng cao thái độ sống, học tập, rèn luyện tích cực cho đội ngũ học viên.
Tôi đến thăm Tiểu đoàn 2 - nơi đang quản lý đối tượng học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội. Nổi bật nhất trong khu vực Tiểu đoàn là hệ thống bồn hoa, cây cảnh, chậu cảnh được chăm chút, cắt tỉa đẹp mắt trước mỗi hiên nhà đại đội và 5 bảng tin được trình bày hoa văn tươi tắn, sáng sủa với nội dung thông tin cập nhật, bổ ích. Trò chuyện với tôi, Trung tá Tống Xuân Lý, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn chia sẻ rằng, thế hệ học viên thời nay nhìn chung tự tin, năng động hơn thời trước. Nhưng cái thiếu lớn nhất của các em là những “kỹ năng mềm”. Vì vậy, cùng với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cấp trong Tiểu đoàn cũng chủ động tạo ra môi trường thuận lợi để học viên được cọ xát, học hỏi, tiếp thu những kỹ năng bổ ích cho mình. Ngoài giờ học trên giảng đường, thao trường, bãi tập, vào các giờ nghỉ, ngày nghỉ, Tiểu đoàn luôn duy trì, tổ chức các hoạt động ngoại khóa và hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí lành mạnh cho học viên.
Trung tá Tống Xuân Lý nói:
- Không chỉ tạo điều kiện để các học viên được thưởng thức, tham gia sinh hoạt văn hóa, hoạt động vui chơi giải trí, mà điều quan trọng hơn là phải chủ động hướng dẫn, giúp đỡ để các em biết xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch đó. Tức là học viên cần thể hiện tốt cả “hai vai”, vừa là người tham gia trực tiếp, vừa là người chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch để dần hình thành những tố chất cần thiết cho người cán bộ chính trị sau này. Nói tóm lại, tất cả các hoạt động dù trên giảng đường, ngoài thao trường hay ở đơn vị cũng đều hướng tới mục tiêu “3 trong 1”, nghĩa là đào tạo, rèn luyện các học viên sau này trở thành “Người sĩ quan mẫu mực, người bí thư chi bộ giỏi, người chính trị viên ưu tú”. 
          Cũng với mong muốn bồi dưỡng cho học viên những “kỹ năng mềm”, hai năm qua, Nhà trường đã hình thành một số sân chơi bổ ích dành cho tuổi trẻ. Một trong số sân chơi đó là “Câu lạc bộ (CLB) ca khúc”. Theo Thượng tá Phùng Văn Lập, Trưởng ban Tuyên huấn Nhà trường, mục đích của CLB này nhằm tăng cường giáo dục kỹ năng ca, múa, nhạc cho học viên, tạo điều kiện cho các em được “tắm mình” trong bầu không khí, môi trường âm nhạc lành mạnh của dân tộc và quân đội. Hơn thế, CLB cũng là nơi “ươm mầm” và là “bệ đỡ tinh thần” cho các hạt nhân văn nghệ trong lực lượng học viên có cơ hội được cống hiến, trưởng thành. Nhìn kế hoạch hoạt động tháng 10 năm 2013 của CLB với những tiết mục như: Hòa tấu ca khúc “Nguyện theo lời Bác”, song ca “Quan họ áo xanh, Quan họ yếm đào”, tốp ca nam nữ “Hành khúc Trường Sĩ quan Chính trị”, hòa tấu ca khúc “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, tốp nữ “Màu cờ tôi yêu” (có tốp nam múa phụ họa)… đã phần nào thấy ý nghĩa thiết thực của CLB này.
Buổi chiều, khi đang dạo bộ trên con đường thân quen ngày xưa dưới hai hàng cây rợp bóng trong khuôn viên Nhà trường, bất chợt tôi nghe thấy những lời ca rộn ràng, giai điệu khỏe khoắn: “Từ bốn phương trời về chung một mái trường… Trung thành, đoàn kết, dạy tốt, học chăm/ Là Trường Sĩ quan Chính trị nở ngàn hoa/ Đồng đội ơi! Vững bước ta đi lời Bác dặn vang mãi/ Người chính trị viên như người chị sớm hôm/ Thề tận trung với nước, thề tận hiếu với dân/ Bước đi theo Đảng vì Tổ quốc vững bền/ Ôi! Sách bên hoa, cây đàn luôn bên súng/ Sự nghiệp mãi ngàn năm, theo bước chân Bác Hồ”... Đó là bài hát “Hành khúc Trường Sĩ quan Chính trị” (Nhạc: NSND Nguyễn Tiến, Lời: Thiếu tướng Nguyễn Đình Thắng) mà các thành viên “CLB ca khúc” đang luyện tập để chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 5 năm tái thành lập Nhà trường (01/11/2008 - 01/11/2013). Những ca từ giản dị, trong sáng với tiết tấu hành khúc sôi sổi làm tâm hồn tôi càng thêm xốn xang, rạo rực. Tôi như được sống lại cái thời son trẻ đầy hoài bão, khát vọng dưới Mái trường này. Thêm một lần, tôi lại càng mến yêu ngôi trường dù đã vài ba lần “thay tên, đổi họ”, nhưng vẫn giữ được tinh thần hào khí và tấm lòng son sắt như những lời ca ấy.
Và trong tôi bỗng trào dâng một niềm tự hào, trân trọng những người thầy, người cán bộ nơi đây! Giữa bốn bề tường cao hào sâu kia, trong thành cổ nhà Nguyễn đã phủ một lớp bụi dày của thời gian, dưới những ngôi nhà cũ đơn sơ, trái tim họ vẫn nóng bỏng một bầu nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người”, vẫn lặng thầm nâng niu từng trang giáo án, chắt chiu từng cử chỉ thiện nguyện để ngày đêm bồi đắp cho tâm hồn, trí tuệ hàng nghìn học viên tỏa sáng dưới mái Trường Sĩ quan Chính trị.






[*] Nguyên học viên Tiểu đoàn 4

0 nhận xét:

Đăng nhận xét