Pages

TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

XỨNG DANH TRƯỜNG SĨ QUAN CHÍNH TRỊ


                                                                                                Kịch bản phóng sự
                                                                                            Phùng Văn Lập   
         
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Cha thân yêu cuả các lực lượng vũ trang đã từng dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”“Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”. Thấu triệt tinh thần ấy, ngay sau khi Tổ quốc thống nhất, trước yêu cầu củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ chính trị của sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại trong tình hình mới, ngày 14/01/1976, theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Trường Sĩ quan Chính trị được thành lập với nhiệm vụ đào tạo chính trị viên đại đội cho toàn quân, mà trực tiếp về cơ cấu tổ chức là Hệ Sơ cấp của Học viện Chính trị.



Đó là bước kế thừa, tiếp nối, phát triển kết quả, thành tựu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị của quân đội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngay từ đầu, khi thành lập lực lượng vũ trang cách mạng, Trung ương Đảng đã cử một số ủy viên Trung ương phụ trách nhiệm vụ quân sự và chính trị, đảm bảo cho Trung ương và các đảng bộ địa phương lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ Cứu quốc quân; đặt chế độ chính trị viên đại đội, chính trị viên trung đội trong Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; chế độ chính trị viên tiểu đội, chế độ đại diện Đảng phụ trách Quân đội trong Việt Nam giải phóng quân. Từ đó đến nay, đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội ngày cảng được kiện toàn, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện nhiệm vụ theo chế độ, cương vị, chức trách.
          Đối với Nhà trường, mặc dù với tổ chức biên chế, đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa đồng bộ, chuyên sâu; cùng với Ban Giám hiệu, chỉ có 03 phòng, 04 khoa, 02 tổ giáo viên và 04 tiểu đoàn học viên; cơ sở vật chất bảo đảm còn khó khăn của buổi ban đầu, nhưng bằng ý chí phấn đấu, tinh thần vượt khó, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, các lực lượng của Nhà trường đã vừa giảng dạy, huấn luyện, học tập, rèn luyện vừa củng cố, xây dựng đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của một nhà trường quân đội, đặt nền móng cho bước trưởng thành, phát triển trước mắt, trong tương lai.
Chủ yếu cán bộ, học viên khi thành lập Trường vừa trở về từ chiến trường, có đến hơn 96% đã trải qua chiến đấu, học viên đều là đảng viên, có đồng chí là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hơn ai hết, họ hiểu rõ những khó khăn của dân tộc, quân đội thời hậu chiến, yêu cầu đề cao cảnh giác cách mạng, huấn luyện sẵn sảng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ biên giới ở hai đầu Tổ quốc, cả nước đương đầu với hoạt động bao vây, cấm vận, phá hoại của các thế lực thù địch. Họ đã tận tâm, tận lực phấn đấu vun đắp cho sự trưởng thành của Nhà trường, cho sự nghiệp đào tạo cán bộ chính trị của quân đội.
          1. Trên chặng đường phấn đấu là trung tâm đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội của toàn quân, với sự cống hiến, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, chỉ huy các cấp, của đội ngũ cán bộ, giảng viên, Nhà trường đã xây dựng và không ngừng hoàn thiện mô hình, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ chính trị từ nhiều nguồn, nhiều đối tượng, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách, trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản, lâu dài.
Trong hành trình thực hiện nhiệm vụ, ở mỗi thời kỳ, công tác giáo dục đào tạo Nhà trường luôn được dẫn dắt bởi tầm nhìn, phương hướng hoạt động đúng đắn.
Đó là:Cơ bản, toàn diện, hệ thống, thống nhất của những năm đầu thành lập.
Trên cơ sở đó, phương hướng những năm tiếp sau là: Nắm vững cả trước mắt và lâu dài, nhà trường gắn liền với chiến trường, kiên trì với phương hướng đào tạo cơ bản, toàn diện và chuyên sâu, lấy chuyên môn hoá làm đích; kết hợp giáo dục về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học xã hội và nhân văn với đào tạo về khoa học, nghệ thuật quân sự; thường xuyên đổi mới công tác giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học phù hợp với quy luật giáo dục hiện đại; đổi mới quy trình, chương trình theo hướng từng bước tiếp cận và hoà nhập với hệ thống chương trình đào tạo đại học theo nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Bước sang giai đoạn mới, phương hướng được xác định: Tập trung nỗ lực bổ sung, hoàn thiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo; đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, quy trình đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá; tăng cường tính đảng, tính tư tưởng và tính thực tiến. Tăng nhanh tiềm lực sư phạm, hoà nhập vững chắc với hệ thống giáo dục đại học quốc dân. Nhờ vậy, Nhà trường luôn giữ vững và tăng cường phương hướng chính trị, hội tụ và lan toả thành tựu khoa học, kịp thời cập nhật thực tiễn phong phú trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo.
          Nhận thức về vị thế trong tương lai, từ rất sớm, Nhà trường đã chủ động, đổi mới, sáng tạo, bắt nhịp với sự phát triển của sự nghiệp giáo dục - đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội, giáo dục đào tạo quốc dân. Chỉ sau 02 năm thành lập, Trường Sĩ quan Chính trị đã liên kết với các trường: Nguyễn Ái Quốc 5, Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị đào tạo các khoá giáo viên khoa học xã hội và nhân văn cho các nhà trường quân đội. Phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp đào tạo đại học tại chức chuyên ngành văn, sử cho học viên. Đó là những bước đi đầu tiên, hình thành hướng đào tạo đa ngành, từng bước thực hiện chủ trương đại học hoá của Nhà trường.
          Trong số hơn 2 vạn học viên tốt nghiệp ra trường, đã có 67 phóng viên báo chí quân đội, 266 Cử nhân Luật, hàng nghìn giáo vỉên khoa học xã hội và nhân văn, hơn 500 sĩ quan dự bị.
Qua tích luỹ, phát triển tiềm lực, nỗ lực phấn đấu, ngày 03/10/1982, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định số 28/QĐ- TW xác định Trường Sĩ quan Chính trị là trường Đảng tập trung trong quân đội thuộc hệ thống đại học Mác- Lênin.
Sau khi tái lập (tháng 11/2008), ngày 23/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trường Đại học Chính trị trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Chính trị. Kể từ đây, Nhà trường vừa thực hiện tốt hơn vai trò của một trường sĩ quan, một trường Đảng trong quân đội; vừa là cơ sở đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân. Theo lôgíc của chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cấp phân đội, nhất là bảo đảm điều kiện cần và đủ cho học viên thực hiện chức trách ban đầu khi tốt nghiệp ra trường là người cán bộ tổ chức các hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở các đơn vị cơ sở, Trường Sĩ quan Chính trị thực sự còn là trường Đoàn trong quân đội.
          Suốt 40 năm qua, ở Nhà trường luôn có nhiều đối tượng đào tạo: Chính trị viên, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn, cán bộ chính trị Công an Nhân dân, giáo viên Quốc phòng an ninh, học viên đào tạo sau đại học khoa học xã hội và nhân văn, xây dựng đảng và chính quyền nhà nước…Trải qua quá trình học tập, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách, tuyệt đại đa số học viên tốt nghiệp ra trường đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhiều đồng chí đã phát triển lên cương vị cao hơn sau ít năm công tác, trong số đó không ít đồng chí trở thành cán bộ cấp cao, tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam; là nhà khoa học, nhà báo, nhà giáo có uy tín trong và ngoài quân đội.
          Trong đội ngũ ấy, gần 1000 con em của đồng bào dân tộc ít người được cử tuyển về Nhà trường đào tạo, bồi dưỡng đã trưởng thành, đảm nhiệm các vị trí công tác quan trọng của quân đội, của hệ thống chính trị trên những địa bàn trọng yếu, phiên dậu của Tổ quốc.
          Và trong số ấy, có những cán bộ quân đội của nhân dân hai nước bạn Lào, Cămpuchia được đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp tại Trường Sĩ quan Chính trị, hay thông qua tiếp cận nội dung, chương trình, tài liệu, giáo trình… mà cán bộ của Nhà trường tham gia làm chuyên gia, giúp đỡ xây dựng. Lớp cán bộ đó đã và đang góp phần củng cố tình đoàn kết dân tộc, quân đội ba nước Đông Dương.
          Trên hết, chúng ta luôn ghi lòng, tạc dạ những học viên ưu tú đã xả thân vì Tổ quốc, sẵn sàng đón nhận “Lời điếu văn thay quyết định ra trường”, làm nên “Trang giáo án vàng, định nghĩa chữ vinh quang”. Các Anh đã cùng tập thể các lớp chuyên ban vững vàng trên cương vị lãnh đạo, chỉ huy, trực tiếp chiến đấu trên tuyến đầu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Phan Đình Linh và 21 Liệt sĩ của Nhà trường đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, là điểm tựa tinh thần, giá trị bền vững và hoá thân vào lịch sử xây dựng, chiến đấu, cống hiến và trưởng thành của Nhà trường.          
2. Được xác định là nhiệm vụ luôn đồng hành, gắn kết mật thiết với nhiệm vụ giáo dục đào tạo, trên cơ sở thực lực của mình, hoạt động nghiên cứu khoa học cuả Nhà trường đã được quan tâm tổ chức triển khai thực hiện rất sớm, và ngày càng  phát triển về tiềm lực, kết quả và thành tựu.
Các lực lượng của Nhà trường, nhất là đội ngũ cán bộ, giảng viên đều hiểu rằng: Tiềm lực, kết quả, thành tựu nghiên cứu khoa học khoa học xã hội và nhân văn, khoa học, nghệ thuật quân sự là minh chứng sinh động cho năng lực tiếp cận, khám phá, truyền thụ, vận dụng tri thức mới, khả năng đóng góp luận cứ cho đường lối, quan điểm xây dựng quân đội, nhất là xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị của Trường Sĩ quan Chính trị.
Khi Nhà trường được đổi tên thành Trường Sĩ quan Chính trị - Quân sự (Tháng 12/1981), đứng trước yêu cầu mới về công tác tư tưởng - lý luận, trước tác động của khủng hoảng chính trị ở Liên Xô, Đông Âu, mặc dù  còn khó khăn về lực lượng, hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường đã trở thành nhiệm vụ cơ bản, được triển khai theo hướng đề cao tính hiệu quả, thiết thực. Việc hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng tốt Đề tài cấp Nhà nước KX07-19-01, Đề tài cấp Bộ “Xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới” đã góp phần bổ sung lý luận - thực tiễn xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong thời gian này, Nhà trường đã tổ chức tốt Cuộc thi lý luận chính trị- xã hội, được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp xếp loại tốt; học viên Phạm Văn Long đạt giải Nhất, được đi dự Festival 13 Liên hoan học sinh, sinh viên quốc tế tại Bình Nhưỡng (Triều tiên). Hệ thống đề tài cấp Trường, cấp cơ sở, tiểu luận của học viên được triển khai tích cực, đồng bộ và thu được nhiều kết quả khích lệ. Kết quả, thành tựu đó đã khơi nguồn, tạo đà cho bước phát triển nhanh của hoạt động nghiên cứu khoa học.   
Nhìn vào kết quả, thành tựu nghiên cứu khoa học, điều dề nhận ra là/ đa phần  còn mới (Kỷ yếu hội thảo, tài liệu, giáo trình, Tạp chí Khoa học giáo dục chính trị quân sự…) /sản phẩm chủ yếu từ khi Nhà trường tái lập, càng thấy rõ hơn sự nỗ lực, tiềm lực được tích luỹ, tâm huyết, tinh thần, năng lực tự chủ của đội ngũ cán bộ khoa học; củng cố niềm tin vào sự biến đổi về chất, vào gốc rễ của sự vươn lên là trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn mạnh của quân đội trong giai đoạn mới; hướng đến trực tiếp nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ; góp phần làm sáng tỏ lý luận và thực tiễn các vấn đề tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, tham gia đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng- lý luận, bảo vệ chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; là lực lượng xung kích phòng, chống “diễn biến hoà binh” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá trong điều kiện bùng nổ thông tin.
3. Nói đến Trường Sĩ quan Chính trị, trong tiềm thức của nhiều người, luôn có sẵn định danh “Trường Sĩ quan Chính trị - Bắc Ninh”, bởi mái trường này đã gắn bó sâu đậm với miền quê Kinh Bắc- Bắc Ninh. Miền quê đã đi vào hành trang công tác, hành trang cuộc sống của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, đó không chỉ là tứ thơ, ý văn, mà còn tham gia vào bồi bổ kỹ năng công tác, góp phần rèn luyện, hoàn thiện nhân cách, nâng tâm hồn người cán bộ chính trị được đào tạo, bồi dưỡng ở nơi đây.
Nhưng trước đó, khi mới thành lập, Nhà trường tiếp quản doanh trại cũ của 02 trung đoàn thuộc Sư đoàn 312, thuộc xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên, Tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) và xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc thành phố Hà Nội), đội hình đóng quân phân tán. Học tập, sinh hoạt còn mang tính dã ngoại thời chiến. Học viên lấy ghế xếp, bàn đạc thay bàn.
Trải qua quá trình xây dựng, trưởng thành, cơ sở vật chất bảo đảm sinh hoạt, học tập, công tác đã được tăng cường, nâng cấp, hiện đại hoá, nhưng những khó khăn như thế không thể lãng quên, vẫn là minh chứng sống động cho sự nỗ lực khắc phục khó khăn của Nhà trường trên bước đường phát triển.
Giờ đây, Nhà trường đã và đang chuyển dần lên đóng quân, huấn luyện tại địa bàn Thành phố Hà Nội. Dù ở nơi nào, hoàn cảnh nào, điều kiện nào, Nhà trường cũng luôn vun trồng hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân, làm tròn sứ mạng đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội, đơn vị mẫu mực về chính trị; nơi gắn chặt yêu cầu nâng tầm tri thức và năng lực chính trị, năng lực hành động của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên với thực tiễn nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội, với đơn vị và với chiến trường.
Lịch sử truyền thống của Trường Sĩ quan Chính trị là lịch sử xây dựng và trưởng thành của một nhà trường quân đội đào tạo đội ngũ trí thức quân sự cách mạng, đã và đang đi lên cùng đất nước và Quân đội.  
Trong suốt 40 năm qua, khi hoạt động độc lập, hay hơn 10 năm trong đội hình của Học viện Chính trị quân sự (1995 - 2008), Nhà trường luôn coi trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, chính quy, tiên tiến, mẫu mực. Trong đó lấy xây dựng về chính trị là cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh là khâu then chốt, xây dựng môi trường văn hoá sư phạm quân sự là nền tảng. Tập trung xây dựng, phát triển tiềm lực mọi mặt, nhất là tiềm lực sư phạm, tiềm lực khoa học, tiềm lực thông tin- tư liệu.
Từ chỗ chỉ có 5% cán bộ, giáo viên có trình độ đại học, 25% tốt nghiệp phổ thông trung học của những ngày đầu thành lập. Đến nay, 100% cán bộ, giảng viên có trình độ đại học và sau đại học, 06 Phó Giáo sư, 35 Tiến sĩ, 148 Thạc sĩ, 03 Nhà giáo Ưu tú.
Đó là đội ngũ nòng cốt, đi đầu trong khối đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của toàn Trường. Góp phần to lớn trong củng cố, nuôi dưỡng tinh thần tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới các mặt công tác. Cùng toàn Trường nêu cao trách nhiệm chính trị và lòng nhiệt tình cách mạng trước Đảng, Nhà nước, quân đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng, phấn đấu trở thành một trường đào tạo sĩ quan gương mẫu toàn diện của quân đội ta”.
Cùng thành tích về giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, kết quả đó là hợp phần quan trọng xây nên thành tích chung của Nhà trường.
 40 năm phấn đấu vì sự nghiệp cao cả, Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì; Huân chương chiến công hạng Hai, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, 09 tập thể, 73 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại.
Tất cả đã kết tinh thành truyền thống: “Trung thành, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, dạy tốt, học tốt”, là hành trang quý báu; nguồn động lực to lớn nâng bước đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Nhà trường phấn đấu hoàn thành xuất sắc sự nghiệp trồng người, nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị, đội ngũ “Sách bên hoa, đàn bên súng/ nghiệp trăm năm theo bước Bác Hồ”.
Từ ngày thành lập, Trường Sĩ quan Chính trị đã trải qua một chặng đường lịch sử xây dựng, chiến đấu, cống hiến và trưởng thành vẻ vang. Nhiệm vụ giáo dục- đào tạo của Nhà trường đã ngày càng phát triển, đơm hoa kết trái, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về đào tạo nguồn cán bộ trong Quân đội, nhất là yêu cầu về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở.
Vượt lên trên khó khăn, Nhà trường đã có nhiều cố gắng vươn lên, từng bước khẳng định vị thế, uy tín của mình trong hệ thống các nhà trường quân đội. Vừa tiếp thu, vận dụng sáng tạo khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam và kinh nghiệm xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong chiến tranh cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; vừa giữ vững và phát huy bản sắc riêng của một nhà trường quân đội có nhiều kinh nghiệm đào tạo cán bộ chính trị và giáo viên khoa học xã hội nhân văn cấp phân đội, vừa nhanh chóng tiếp cận và làm chủ thành tựu khoa học giáo dục hiện đại.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người chính trị viên, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sống tình thân thương, đùm bọc, giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân các địa phương; sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của các đơn vị, học viện, nhà trường trong toàn quân, và bằng tinh thần lao động sáng tạo, chiến đấu dũng cảm, học tập và công tác nhiệt tinh của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ, Trường Sĩ quan Chính trị đã  trở thành cái nôi đào luyện nên những chính trị viên, giáo viên xã hội nhân văn quân sự vừa “Hồng” vừa “Chuyên”, thực sự là người chị, người anh, người bạn của bộ đội. Đội ngũ cán bộ chính trị đó đã gương cao ngọn cờ tư tưởng của Đảng, thực hiện tốt vai trò chủ trì về chính trị ở cấp phân đội, đơn vị chiến đấu cơ bản của Quân đội ta; trở thành niềm tin, niềm tự hào của lớp lớp chính trị viên, cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhận rõ vinh dự và trách nhiệm vẻ vang của mình; tiếp nối thành tích xây dựng, chiến đấu, cống hiến và trưởng thành, chúng ta nguyện quyết tâm đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; ghi tiếp vào trang sử mới của Nhà trường những thành tích to lớn hơn, xứng đáng là trường trọng điểm của Quân đọi,  với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.

                                                                     Bắc Ninh, tháng 8  năm 2015




   
  


           

0 nhận xét:

Đăng nhận xét