Pages

TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

NHỮNG NGÀY HÈ KHÔNG QUÊN

BBT: Mặc dù công việc rất bận, song Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị vẫn thường xuyên quan tâm, theo dõi, chỉ đạo, động viên lực lượng học viên của Nhà trường đang kiên trì, nỗ lực luyện tập diễu binh phục vụ ngày đại lễ chào mừng Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đồng chí Hiệu trưởng đã sáng tác bài thơ “Những ngày hè không quên” tặng riêng cho lực lượng học viên làm nhiệm vụ A70. Website Nhà trường trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
                                            Thân tặng các học viên A70

ĐẾN VỚI MỘT BÀI THƠ HAY

Ngày 29 tháng 6 năm 2015, Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, một trong những đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã từ trần, hưởng thọ 91 tuổi. Ông là tác giả của nhiều ca khúc bất hủ, sống mãi với thời gian như: Hành khúc ngày và đêm, Những ánh sao đêm, Thơ tình cuối mùa thu,...
Thơ tình cuối mùa thu là sáng tác phổ thơ bài thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Mỗi khi giai điệu của ca khúc cất lên, người ta như tưởng thấy một mùa thu dìu dịu, buồn buồn, lãng đãng hiển hiện xung quanh mình dù đang giữa những ngày hè nóng đổ lửa, hay giữa những ngày đông rét căm. Ca khúc thì hầu hết chúng ta từng nghe, từng thưởng thức; nhưng văn bản gốc bài thơ của nữ sĩ tài hoa bạc mệnh ấy thì không phải ai cũng để ý. Trang Thông tin Văn học nghệ thuật Trường Sĩ quan Chính trị xin giới thiệu với bạn đọc bài thơ này.
Có một điểm rất đáng lưu ý trong bài thơ mà rất nhiều người bị nhầm lẫn. Đó là ở khổ thơ: " Cuối trời mây trăng bay/Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/Mùa thu đi cùng lá/Mùa thu ra biển cả/Theo dòng nước mênh mang/Mùa thu vào hoa cúc..." , rất nhiều người đã đọc thành "mùa thu vàng hoa cúc". Khi bài thơ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, cũng có nhiều ca sĩ nổi tiếng đã hát thành "mùa thu vàng hoa cúc", nên chính nhạc sĩ nhắc họ cần hát cho đúng từ dùng của bài thơ. Chúng ta thấy, rõ ràng, nếu chỉ là "mùa thu vàng hoa cúc" thì câu thơ thường quá. Mùa thu nào chẳng bạt ngàn hoa cúc vàng. Nhưng Xuân Quỳnh của chúng ta không thường như vậy. Chị dùng ba từ "mùa thu" ở trong khổ thơ, song hai từ đầu là mùa thu-danh từ, còn từ thứ ba là "mùa thu vào", chữ thu đã trở thành nội động từ. Và đấy mới chính là sự tinh tế của câu thơ, khiến cho cả khổ thơ trở nên lung linh...
Mời các bạn cùng thưởng thức bài thơ:

THƠ TÌNH CUỐI MÙA THU
                  Xuân Quỳnh 
Cuối trời mây trắng bay 
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng  
Mùa thu đi cùng lá 
Mùa thu ra biển cả 
Theo dòng nước mênh mang 
Mùa thu vào hoa cúc 
Chỉ còn anh và em 

Chỉ còn anh và em 
Là của mùa thu cũ 
Chợt làn gió heo may 
Thổi về xao động cả: 
Lối đi quen bỗng lạ 
Cỏ lật theo chiều mây 
Đêm về sương ướt má 
Hơi lạnh qua bàn tay 

Tình ta như hàng cây 
Đã qua mùa gió bão 
Tình ta như dòng sông 
Đã yên ngày thác lũ 

Thời gian như là gió 
Mùa đi cùng tháng năm 
Tuổi theo mùa đi mãi 
Chỉ còn anh và em 

Chỉ còn anh và em 
Cùng tình yêu ở lại... 
- Kìa bao người yêu mới 
Đi qua cùng heo may
Nguồn: Tự hát, Xuân Quỳnh, NXB Tác phẩm mới, 1984