Đêm đã về khuya, chính trị viên Tâm vẫn còn ngồi làm
việc. Tiếng mưa rả rích đang đánh thức những mầm cây. Sắp tết rồi. Mới tháng
Tám vừa rồi khi đơn vị rời Bắc Ninh lên địa điểm đóng quân mới ở Hòa Lạc, quay
đi quay lại đã hết năm. Chừng ấy thời gian, đơn vị đã giải quyết được một khối
lượng công việc khổng lồ, ổn định được tổ chức. Nhưng trong đầu anh lúc này là
những hình ảnh về lứa học viên mới, cần phải dành nhiều thời gian để theo dõi,
uốn nắn, rèn luyện. Tâm xoa tay lên trán, hai mắt khẽ nhắm,...
Có một sự trùng hợp khá đặc biệt. Đa phần học viên do
Tâm được phân công quản lý là con em nông dân, vùng sâu, vùng xa, điều kiện
kinh tế còn nhiều khó khăn. Hầu như các học viên chỉ dám chi tiêu trong khoản
tiền phụ cấp ít ỏi nhận được hằng tháng,... Vậy mà trong những học viên mới đó
vẫn có cậu dành dụm tiết kiệm, không dám mua thêm gì ngoài những chi phí sinh
hoạt cần thiết.trong đó có An - cậu học viên có nhiều điểm đặc biệt về tính
cách.
An là học viên sống khép mình
nhất trong đại đội. An chỉ tham gia những sinh hoạt và công tác bắt buộc chung,
còn thì hầu như không trò chuyện cùng ai, không tham gia hoạt động thể thao
ngoài giờ. Còn một điều khác lạ nữa là hầu như chủ nhật nào An cũng mất tăm mất
hút, ngooại trừ lúc ăn cơm và ngủ nghỉ. Tâm lặng lẽ quan sát An. Nhiều lần, Tâm
muốn gặng hỏi chuyện nhưng An dường như biết trước ý định của Tâm nên đều lảng
tránh.
Vào một ngày cuối tháng, trong
lúc dọn dẹp lại nhà kho, học viên trong đơn vị phát hiện ra có nhiều bó giấy các
tông cất giấu ở trên trần nhà kho.Toàn những bó giấy chắc nịch, được xếp ngay
ngắn, gói buộc cẩn thận. Đại đội cho học viên đem về xung công. Lúc này, An lên
tiếng nhận là giấy của mình. Thế thì càng tốt chứ sao? Đại đội biểu dương luôn
tinh thần công tác ngoài giờ của An. An ngồi im lặng nhưng sau đó lại lên đại
đội để báo cáo xin lại số giấy ấy. Không phải vì An có tinh thần tập thể đột
xuất, mà là An lấy về để dồn lại đem bán cho bà đồng nát ở ngoài dân thỉnh
thoảng vẫn vào đơn vị thu mua đồ để lấy
tiền. Thế là lại sinh chuyện thêm. Các thủ trưởng tiểu đoàn biết chuyện, chỉ
đạo đại đội làm rõ.
Buổi sinh hoạt đại đội về việc của An diễn ra không
căng thẳng, mà mang đầy sự tò mò của học viên. Trước tập thể, An đã thành thật
khai báo mình đã vài lần lấy và bán giấy cho những bà đồng nát, mỗi lần một vài
bó giấy. Mỗi bó được 5, 10 nghìn. Hỏi An cần tiền để làm gì, thì không nói. Đa
số học viên thì chỉ tò mò xem đại đội xử lý ra sao, còn chỉ huy đại đội thì
thấy việc làm của An không thấy xếp vào loại nào trong quy định của quân đội.
An lại là học viên mới có vài tháng tuổi quân, nên không biết xử phạt kiểu gì? Về
sau, đại đội trưởng quyết định tịch thu hết số giấy đó và chủ nhật nào cũng bắt
An đi kiếm giấy.
Trên cương vị là chính trị viên phó đại đội, Tâm thấy
việc xử lý như vậy chưa thuyết phục, vì thế Tâm xin phát biểu:
-
Theo tôi, quyết định như thế chưa thỏa đáng. Chúng ta, ai cũng biết chuyện Thạch
Sanh - Lý Thông. Thạch Sanh làm nghề đốn củi chuyên nghiệp, làm quanh năm suốt
tháng mà có giàu được đâu. Đồng chí An chỉ tranh thủ kiếm giấy vụn trong thời gian nghỉ của mình,
thì chắc chắn không thể làm gì xấu được. Có lẽ có uẩn khúc gì đó, đề nghị đại
đội xem xét tìm hiểu lại, rồi quyết định sau cũng chưa muộn.
Nhiều học viên đồng tình với ý kiến của Tâm. Việc xử
phạt An tạm để lại. Nhưng tiếc rằng, đơn vị không trả lại giấy cho nó.
Hơn hai tháng sau, Tâm được bổ
nhiệm chính trị viên đại đội. Tâm vẫn chú ý chuyện của An. Nhiều lần, thấy An
ngồi một mình, Tâm tìm cách gặp, truyện trò, hỏi thăm tình hình gia đình, tâm
tư, nguyện vọng. Dần dần, An mới giãi bày tâm sự riêng và nút thắt trong lòng
Tâm và An đã được tháo gỡ từ nhiều lần cùng nói chuyện thân tình ấy.
Chả là nhà An rất nghèo. Bố mất sớm, chỉ còn có mẹ, An
và em gái. Trước khi nhập học, An đã hứa kiếm tiền mua cho mẹ một chiếc xe đạp
để chở rau ra chợ bán cho đỡ phải gánh gồng. Mẹ An tuổi chưa nhiều nhưng từ hồi
còn trẻ toàn phải làm việc nặng nên đã yếu rồi. Hứa với mẹ vậy nhưng chưa làm
được. Bây giờ vào học, đóng quân ở Hòa Lạc cũng giáp quêHòa Bình, nên An quyết
tâm dành dụm tiền phụ cấp và tranh thủ nhặt nhạnh thêm tiền từ việc lượm bìa
các tông để khi nào được về phép thì mua xe tặng mẹ.
Tâm nghe mà thấy thương quá. Việc làm nhỏ bé ấy của An làm Tâm hết sức mủi lòng, cay cay mắt. Ước
mong của An thật hết sức bình dị, nhưng thật có hiếu và rất cao đẹp. Người có ý
nghĩ và hành động như thế không bao giờ có thể là người xấu. Tâm nghĩ nếu giúp
được An, thì nhất định sẽ trở thành một học viên tốt trong đơn vị. Nghĩ vậy,
Tâm liền trao đổi với đại đội trưởngvà cùng với Chi đoàn thanh niên bàn phương
án giúp An. Đơn vị tổ chức phát động một ngày chủ nhật lao động lấy kinh phí
gây quỹ giúp đồng đội. Số tiền thu được cũng kha khá.
Gần cuối năm, trong một lần về
Hòa Bình công tác, Tâm cho An đi theo và cùng về tận Tân Lạc thăm gia đình An.
Số tiền đơn vị giúp đỡ, cộng với tiền dành dụm của An, đủ mua cho mẹ một chiếc xe
đạp tốt, còn dư một khoản đơn vị tặng mẹ An làm vốn chạy chợ. Mẹ An vô cùng cảm
động, còn với An thì chắc chắn đó là những giây phút hạnh phúc không thể nào
quên.
Cốc..cốc.. tiếng gõ cửa rụt rè...
Tâm mở mắt.
- Anh chưa ngủ ạ?
- An đi gác về đấy à?..Anh chưa,
còn chút việc nữa anh muốn làm nốt.
- Anh ơi, chiều nay em nhận được
thư của mẹ, mẹ nhờ em gửi lời cảm ơn đơn vị..
- Có gì đâu em, anh em biết hoàn
cảnh của em thì mỗi người góp một chút công sức, mong gia đình em đỡ vất vả. Em
chịu khó động viên mẹ nhé..
- Vâng ạ. Em hứa sẽ cố gắng!
Ánh đèn trong phòng vụt tắt.Trong
hơi chăn ấm, Tâm khẽ mỉm cười. Ngoài kia mưa bụi vẫn rơi nhưng trong lòng Tâm
là cảm giác ấm áp. Mùa xuân đang về…