Phê bình thơ “Bộ quân
phục cũ”
Thiếu tá NGUYỄN THỊ THỦY - Khoa VHNN
Nếu ai đó đã từng đọc thơ Nguyễn Minh Cường – một nhà thơ
8x khoác trên mình màu xanh
áo lính (hiện đang công tác tại Phòng Khoa học quân sự, Trường Sĩ quan Chính
trị) thì sẽ thấy trong thơ anh thường đem đến
cho độc giả một cái nhìn về Tổ quốc, chiến tranh và người lính của người được
sinh ra và lớn lên ở thời bình. Vì thế, Nguyễn Minh Cường đã dành rất nhiều
những cảm xúc, trở trăn, về người lính với những thân quen giữa cuộc sống đời
thường với những bộn bề suy tư giữa cái hối hả, đầy âu lo của nhịp sống hiện
đại. Đó là những suy tư “rất đời” mà cũng “rất lính”.Bài thơ “Bộ quân phục cũ”
của anh là một bài thơ như thế.
Ngay nhan đề bài thơ đã gợi nhiều suy ngẫm.“Bộ quân phục”
có thể coi là tín hiệu, là dấu hiệu để nhận diện người lính. “Bộ quân phục”
người bạn đồng hành trên con đường binh nghiệp của mỗi người lính. Đối với
những người đã hoặc sẽ rời xa quân ngũ thì “bộ quân phục cũ” sẽ trở thành một
biểu tượng, một hồi ức, một kỉ niệm. Và với những chàng trai sau hai năm tham
gia nghĩa vụ quân sự thì ngày xuất ngũ, hình ảnh bộ quân phục ấy cũng có ý
nghĩa thật đặc biệt:“Người lính lặng lẽ xếp vào ba lô/ Bộ quân
phục cũ/ Ngày mai ra quân/ Sau hai mùa xuân/ Ăn cơm bộ đội”.
Những tháng ngày
trong quân ngũ là khoảng thời gian không thể nào quên đối với các bạn trẻ thực
hiện nghĩa vụ quân sự. Nếu ngày tòng quân là bao hồi hộp, lo lắng thì ngày xuất
ngũ lại để lại thật nhiều bâng khuâng. Đoạn thơ mở đầu cất lên như một sự thông báo với đầy đủ thông tin,
hình ảnh không hề cầu kì, hoa mĩ nhưng lại khiến người ta bị thu hút bởi cái
tâm trạng “lặng lẽ” của người lính.
Sau hai năm xa quê hương, xa gia đình, họ được trở về với những gì thân thuộc.
Nhưng trở về cũng có nghĩa là “rời xa”- rời xa đồng chí, đồng đội, rời xa những
kỉ niệm đẹp đẽ của những tháng năm áo lính – hai năm không quá dài nhưng cũng
đủ làm người ta lưu luyến. Người lính xuất ngũ ở cái ranh giới, ở khoảnh khắc
ấy sẽ thật khó diễn tả hết tâm trạng, vừa vui mà lại vừa buồn. Buồn quá thì bi lụy,
mà vui quá lại hóa vô duyên.Bởi thế có lẽ sẽ khó có từ nào phù hợp hơn từ “lặng lẽ”.“Lặng lẽ” là lặng im, không
nói, không ồn ào nhưng chất đầy tâm trạng.“Lặng
lẽ” là vô thanh mà hữu tình, hữu ý.
Vào
cái thời khắc “ngày mai ra quân”, những kỉ niệm đẹp đẽ của thời quân ngũ lại ùa
về trong kí ức của người chiến sĩ một cách hồn nhiên, trong trẻo. Đó là kỉ niệm
những ngày tháng rèn luyện vất vả, nhọc nhằn nhưng luôn rộn ràng tiếng cười lạc
quan yêu đời: “Những ngày bọn mình nụ
cười tươi rói/ Vắt ngang lưng đồi/ Khi chiến hào đu võng gió chơi vơi/ Lại cõng
nắng bò qua trận địa”.Dưới cái nhìn của người lính trẻ tuổi đôi mươi, những
hình ảnh của cuộc sống quân ngũ hiện lên rất thực mà cũng đầy lãng mạn, nên
thơ.
Những
chàng trai bước vào cuộc sống quân ngũ khi tuổi mới mười tám, đôi mươi, phần đa
trong số họ cũng là những người lần đầu tiên xa rời vòng tay chăm sóc ân cần của gia đình, người thân cho
nên những ngày tháng “nhập ngũ” với các chế độ rèn luyện nghiêm ngặt, gian khổ của quân đội, đối với những người
trẻ ấy mà nói, có lẽ đúng như Nguyễn Minh Cường đã viết, đó cũng là:“Những ngày gian khổ đầu tiên của cuộc
đời/Nhưng có lẽ cũng là những ngày vô tư nhất”.
“Sau hai mùa xuân/ Ăn cơm bộ đội”, những chàng trai vẫn tuổi đôi mươi ấy
trở về với đời thường. Giờ đây họ đã trưởng thành hơn, nhưng ngày xuất ngũ cũng
là ngày họ đứng trước những ngã rẽ khác nhau của cuộc đời, là ngày họ phải đối
diện với những xô bồ, hối hả, lo toan của cuộc sống thường nhật. “Để giờ đây thấy đời thường sao lạ lẫm/ Từng bước, từng bước rụt rè chầm chậm/ Như ngày tân binh
tập một, hai”.Lời thơ cất lên giản dị, mộc mạc, diễn tả cảm xúc, thành thực
của người lính đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. “Xuất ngũ” là kết thúc một
khoảng thời gian rèn luyện, nhưng đó
cũng là lúc khởi đầu của một hành trình mới với biết bao bỡ ngỡ, âu lo. Và cái
điều trở trăn, day dứt nhất đó là: “Nhưng
giữa đời thường lỡ có bước sai/ Ai chỉnh sửa cho ta như khi còn trong đội
ngũ?”.Những vần thơ không cầu kì, hoa mỹ
nhưng lại đầy gợi hình, đưa con người ta đến những chiều sâu suy tưởng. Đó vừa
là câu hỏi, đồng thời cũng như lời khẳng định.Đó không còn là suy tư riêng của
những người trẻ khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự nữa mà dường như là lời tự chất
vấn, là sự chiêm nghiệm của tất cả những người đã, đang khoác trên mình màu
xanh áo lính. Quả thực cuộc sống đời thường sẽ khác biệt rất lớn cuộc sống quân
ngũ. Đời thường với bao cám dỗ khiến còn người ta dễ lầm lạc “bước sai”. Và giữa dòng đời xuôi ngược,
khi không còn ai để uốn nắn, chỉnh sửa những lúc “bước sai” giống như thời quân ngũ thắm tình đồng chí, đồng đội thì
những người đã từng là lính tự nhắn nhủ lòng mình: “Thì giữ lấy bộ quân phục cũ/ Mặc
bên trong những lớp áo đời thường”. “Bộ quân phục cũ” không chỉ là còn là vật
kỉ niệm của một thời quân ngũ mà đã trở thành một biểu tượng cho bản lĩnh, tinh
thần, cho phẩm chất bộ đội cụ Hồ mà người lính luôn giữ gìn, giúp họ luôn vững
bước trên đường đời nhiều chông gai và cám dỗ.
“Nhưng giữa đời thường lỡ có
bước sai/ Ai chỉnh sửa cho ta như khi còn trong đội ngũ?/Thì giữ lấy bộ quân phục cũ /Mặc
bên trong những lớp áo đời thường.?Những vần thơ vừa là lời giãi bày vừa là lời nhắc nhở đầy thấm thía đối với tất cả những
ai đã và đang khoác trên mình màu xanh áo lính.
*
* *
Bộ
quân phục cũ
(Nguyễn Minh Cường)
Người lính lặng lẽ xếp vào ba lô
Bộ quân phục cũ
Ngày mai ra quân
Sau hai mùa xuân
Ăn cơm bộ đội.
Chào nhé!
Những ngày bọn mình nụ cười tươi rói
Vắt ngang lưng đồi
Khi chiến hào đu võng gió chơi vơi
Lại cõng nắng bò qua trận địa
Chào nhé!
Những ngày gian khổ đầu tiên của cuộc đời
Nhưng có lẽ cũng là những ngày vô tư nhất
Để giờ đây thấy đời thường sao lạ lẫm
Từng bước, từng bước rụt rè chầm chậm
Như ngày tân binh tập một, hai
Nhưng giữa đời thường lỡ có bước sai
Ai chỉnh sửa cho ta như khi còn trong đội ngũ?
Thì giữ lấy bộ quân phục cũ
Mặc bên trong những lớp áo đời thường...