THƯỢNG TÁ NGUYỄN MINH CƯỜNG - TÂN HỘI VIÊN HỘI NHÀ VĂN
VIỆT NAM
Sáng 14/2/2022, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt
Nam đã tổ chức Lễ trao thưởng Văn học và kết nạp hội viên mới năm 2021. Đặc biệt,
trong danh sách 35 tân hội viên được kết nạp năm nay, có đại diện của Trường Sĩ
quan Chính trị, đó là Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Minh Cường - Trưởng ban Biên tập,
Xuất bản, Phòng Khoa học quân sự. Được biết, anh cũng là ứng viên duy nhất của
Quân đội được xét kết nạp năm nay, và cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đầu
tiên của Nhà trường.
Những năm qua, Thượng tá Nguyễn Minh Cường thường
được biết đến với những truyện ngắn, những bài thơ viết về đề tài chiến tranh
cách mạng và người chiến sĩ hôm nay. Nhiều tác phẩm của anh đã được chiến sĩ
chép vào sổ tay, như: Bộ quân phục cũ,
Đêm Trường Sa, Ghi chép ở đảo Tiên Nữ,…Đến
nay, anh đã xuất bản tập thơ Mắt đàn ông (năm
2017) và trường ca Lòng tôi biên giới (năm
2020).
Đặc biệt, trường ca Lòng tôi biên giới được lấy cảm hứng từ sự hy sinh anh dũng của 22 anh hùng, liệt
sĩ vốn là cán bộ, giáo viên, học viên Trường Sĩ quan Chính trị. Đầu năm 1979,
đoàn cán bộ, giáo viên, học viên của Nhà trường (khi đó đóng quân tại thành cổ
Bắc Ninh), đã lên đường đi thực tập ở các đơn vị dọc tuyến biên giới phía Bắc.
Theo kế hoạch, đoàn sẽ hoàn thành nhiệm vụ thực tập trở về trường vào ngày
20/2/1979. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày trước đó, chiến tranh biên giới đã xảy ra.
Đoàn nhận chỉ thị từ Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường: tất cả cán bộ, học viên
tiếp tục bám đơn vị chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, “ngày về hẹn sau”. Trên chiến trường
biên giới phía Bắc, các cán bộ, học viên của Nhà trường đã chiến đấu dũng cảm,
lập nhiều chiến công xuất sắc, và đã có 22 đồng chí hy sinh anh dũng. Liệt sĩ
Phan Đình Linh được phong tặng Anh hùng LLVTND.Từ tuyến nhân vật trung tâm là
liệt sĩ Phạm Gia Nguyên (danh xưng “Tôi” trong trường ca) và người con là sĩ
quan quân đội hôm nay (danh xưng “con”); tác giả đã khắc họa sự hy sinh anh
dũng của quân và dân biên giới, trọng tâm là vùng Hà Quảng, Trà Lĩnh (tỉnh Cao
Bằng) trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh. Từ đó, tác giả cắt nghĩa nhiều
điều về nguyên nhân của cuộc chiến, về tình yêu Tổ quốc và tinh thần vệ quốc bất
khuất hôm qua và hôm nay của dân tộc Việt Nam; về góc nhìn của những người dân
lương thiện “không phân mốc nước” đối với tội ác chiến tranh; về vẻ đẹp tâm hồn
của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam;…v.v. Bên cạnh những hư cấu nghệ
thuật, trường ca “Lòng tôi biên giới” có sự công phu nghiên cứu, tập hợp tư liệu
về những dịa danh, những sự kiện, những nhân vật quân và dân biên giới có thật,
liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc trong suốt 10
năm từ 1979 đến 1989.
Với
ý nghĩa nội dung và giá trị nghệ thuật sâu sắc, trường ca Lòng tôi biên giới của Thượng tá Nguyễn Minh Cường đã được Bộ Quốc
phòng lựa chọn là một trong 10 tác phẩm trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2020 và được
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chứng nhận là tác phẩm “Đã thể hiện xuất sắc về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh năm 2021”.
Nguyễn
Minh Cường tâm sự: Anh coi việc sáng tác văn học chỉ như một góc riêng để sáng
tạo, để biết sống nhân văn, tình nghĩa hơn. Còn việc chính của anh, cũng là đam
mê, vẫn là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Năm 2021 cũng là một năm Thượng
tá, TS Nguyễn Minh Cường hoạt động tích cực trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Vừa học tập, vừa làm công tác quản lý, song anh cũng đã chủ trì thành công một
đề tài cấp ngành, một giáo trình chuyên ngành và công bố 10 bài báo khoa học
trên các tạp chí uy tín của ngành khoa học quân sự.
Trở
thành tân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là một sự ghi nhận xứng đáng cho những
lao động trên cánh đồng chữ nghĩa của đồng chí Nguyễn Minh Cường, đồng thời
cũng là sự khẳng định thành quả bồi dưỡng, rèn luyện từ môi trường văn hóa quân
sự Trường Sĩ quan Chính trị. Chúng ta cùng chúc cho Thượng tá, TS, nhà văn Nguyễn
Minh Cường sẽ có thêm nhiều thành tựu hơn nữa trên con đường sáng tạo mà mình
đã chọn./.
Đại
úy Đặng Xuân Khu
- Phòng KHQS