Pages

TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

“BẢO TÀNG MỞ” - MÓN QUÀ TỪ MÙA COVID

 

                                                                      Thiếu tá Lê Thị Huyền – Khoa VH,NN

Có những điều đến và đi trong cuộc đời, trong công việc của bạn như một món quà ý nghĩa, để lại dấu ấn khó phai, để bạn thấy cuộc sống là sự thích ứng và sáng tạo không ngừng. Và món quà chúng tôi nhận được từ chính những sinh viên lính tuổi mười chín, đôi mươi, trong thời khắc đặc biệt của năm mở đầu cho thập kỉ thứ ba của thế kỉ XXI, là món quà ý nghĩa với nghề dạy học. Có lẽ, nó sẽ không phai mờ trong kí ức của mỗi chúng tôi.

Như thường lệ, đầu học kì 2 năm học 2019-2020, các giảng viên Bộ môn Khoa học xã hội - Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ lại háo hức đón khóa học viên mới tạo nguồn từ Trường Sĩ quan Lục quân 1. Niềm vui của những ngày đầu lên lớp và niềm mong đợi để được đưa các sinh viên lính đi tham quan, trải nghiệm và tổ chức các hoạt động thuyết trình, với các trò chơi lịch sử bổ ích tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam sau khi kết thúc môn học của chúng tôi, cùng sự háo hức của các học viên cứ lớn dần lên từng ngày.

Những thông tin về tình hình dịch bệnh Covid19 trên thế giới và trong nước đến dồn dập như vũ bão, tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến tâm tư tình cảm của mọi thành viên trong cộng đồng. Hồi hộp, mong ngóng, chờ đợi cho dịch lắng xuống, hy vọng dịch bệnh tan để các học viên từ mọi miền của Tổ quốc được đặt chân đến một trong những Bảo tàng có lịch sử lâu đời nhất, lưu giữ nhiều hiện vật tiêu biểu nhất, có giá trị nhất cho cả chặng đường dài dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhưng dịch covid19 cứ như những đợt sóng ngầm, lúc thì lắng xuống, lúc lại bùng lên dữ dội. Tình hình thực tế ấy khiến chúng tôi nghĩ tới kế hoạch tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng sẽ không thể thực hiện được. Quả đúng là như thế.

Chung tay, góp sức cùng với toàn dân phòng, chống dịch Covid19, hưởng ứng tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ Trường Sĩ quan Chính trị đã có nhiều biện pháp không những thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch, mà còn thể hiện sự sáng tạo, thích ứng với thực tiễn. Theo chỉ đạo của Cơ quan, trực tiếp là Ban Kế hoạch huấn luyện – Phòng Đào tạo, do giãn cách, cách li xã hội nên tạm dừng tất cả cá hoạt động học tập bên ngoài nhà trường, tạm thời chuyển đổi các tiết tham quan tại bảo tàng thành các tiết Viết thu hoạch. Đúng là thiệt thòi cho các học viên khóa CT25 của Tiểu đoàn 5, Hệ 2 và TS21 của Tiểu đoàn 1. Học viên sẽ viết thu hoạch về cái gì? Cảm nhận, suy nghĩ của học viên sẽ ra sao? Làm thế nào để 6 tiết ấy không nhàm chán? Làm thế nào để học viên hiểu được những giá trị ngầm ẩn mà lời cha ông, lời núi sông còn để lại, còn vang vọng trong những di tích, di sản, hiện vật? Những câu hỏi ấy đã thôi thúc chúng tôi tìm một cách thức tổ chức hoạt động phù hợp, để học viên được tự mình làm việc, tự mình tìm hiểu và thể hiện kiến thức, năng lực; được thể hiện tinh thần đồng đội, tinh thần đoàn kết; được góp ý, chia sẻ, trao đổi, tranh luận, phản biện và học hỏi lẫn nhau, đồng thời phải tạo không khí học tập thật phấn khởi. Vì thế, bộ môn Khoa học xã hội đã đề xuất với Khoa và Ban Kế hoạch huấn luyện - Phòng Đào tạo được tổ chức cho học viên làm việc nhóm, thuyết trình nhóm như một hình thức hoạt động ngoại khóa, có sự chuẩn bị trước theo chủ đề như: Trống Đồng Đông Sơn, Thành Cổ Loa, Phòng tuyến Như Nguyệt, Bãi cọc Bạch Đằng, Ải Chi Lăng và Bia Vĩnh Lăng. Đó là những di sản, di tích văn hóa vật chất độc đáo, đã được xếp hạng quốc gia, mang rất nhiều thông điệp, ý nghĩa từ quá khứ.

Yêu cầu trong thuyết trình là các nhóm phải làm nổi bật giá trị về nội dung, giá trị khoa học, giá trị lịch sử văn hóa và ý nghĩa giáo dục đối với thế hệ trẻ đối với từng chủ đề lựa chọn. Trên cơ sở các vật liệu có sẵn như giấy A0, bút dạ, phấn bảng và máy tính, có đại đội, học viên chuẩn bị trình chiếu, tự thiết kế slide, kết hợp sử dụng hình ảnh minh họa và video tư liệu; có đại đội các học viên thể hiện ý tưởng trên giấy A0, sử dụng bút dạ và phấn bảng để thuyết trình nội dung của nhóm.

Khi triển khai hoạt động cho đơn vị, điều trăn trở nhất của chúng tôi là vấn đề thời gian và nguồn tài liệu. Lịch học dày đặc, rồi học tách lớp, cả ngày có đại đội học 10 tiết. Nguồn tài liệu liên quan đến các chủ đề thuyết trình ít, trong khi số máy tính để học viên tìm kiếm, tham khảo các hình ảnh, thông tin trên mạng có rất ít. Từng bước mày mò, tìm kiếm, mượn tài liệu trên thư viện, tài liệu của giáo viên, với sự hỗ trợ của cán bộ đơn vị, học viên đã được tiếp cận với nhiều kiến thức, hình ảnh và thông tin trên mạng, cộng với sự sáng tạo của học viên trong thiết kế slide, kẻ, vẽ lược đồ, sơ đồ, vẽ họa tiết, hoa văn... Sự tài hoa, sự sáng tạo, sự say mê và nhiệt huyết, sự tự tin đã được thể hiện trong nội dung và phương pháp, ngôn ngữ thuyết trình. Lắng nghe và xúc động khi các học viên thể hiện niềm tự hào khi nói về những di tích, di sản gắn với bàn tay tài hoa của người Việt qua những họa tiết, hoa văn trang trí trên Trống Đồng Đông Sơn; giá trị nghệ thuật quân sự, lịch sử, văn hóa, xã hội và liên hệ trách nhiệm bản thân được lồng ghép khi phân tích, miêu tả sinh động quá khứ hào hùng của dân tộc và bài học cho hiện tại và tương lai. Lịch sử dân tộc chưa lúc nào lại trở nên gần gũi, chân thực, tự hào và ý nghĩa như lúc các học viên đang trao truyền kiến thức cho nhau như lúc đó.

Chúng tôi sẽ không quên mùa Covid19, sẽ không quên những “Bảo tàng mở” nho nhỏ mà mỗi đại đội, mỗi đơn vị học viên đã lập nên trong thời gian rất ngắn ấy. Năm học tới chắc chắn sẽ không có những “Bảo tàng mở” như vậy nữa bởi các học viên CT26 sẽ được đặt chân đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – nơi lưu giữ, bảo tồn những hiện vật vô giá trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt, nhưng trong kí ức của chúng tôi và nhiều học viên khóa CT25, TS21, “Bảo tàng mở” với những hướng dẫn viên nhiệt tình, xử lý tình huống khéo léo, với những khán giả ham hiểu biết cùng rất nhiều câu hỏi thú vị, ý nghĩa sẽ là một kỷ niệm đẹp. Cảm ơn “món quà mùa Covid” đã cho chúng tôi tin rằng thế hệ trẻ ở Nhà trường ngày nay vẫn luôn tự hào, luôn trân trọng và nguyện noi gương người xưa để học tập, cống hiến, trưởng thành.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét