Pages

TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

MÙA HÈ KHÔNG QUÊN

 


Đại úy: Triệu Thu Thủy

Giảng viên Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ

Khi những cơn mưa rào cuối hạ cuốn theo cái nắng nóng rời đi nhường chỗ cho những làn gió mát nhè nhẹ thổi mơn man vài chùm hoa sữa bung nở sớm báo hiệu mùa thu đến, cũng là lúc bước vào một năm học mới 2020 – 2021 tại Trường Sĩ quan Chính trị, nhưng những kỷ niệm về một mùa hè đặc biệt của năm học 2019 – 2020 tại cho tôi những xúc cảm không thể nào quên. Những câu chuyện nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, giúp tôi thêm động lực vững bước trên con đường mình đã chọn.

KHẮC GHI LỜI BÁC DẠY “DÙ KHÓ KHĂN ĐẾN ĐÂU CŨNG PHẢI DẠY TỐT, HỌC TỐT”

Năm 2020 bắt đầu khi đại dịch Covid – 19 bùng phát trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đã gây ảnh hưởng nặng nề cả về kinh tế, xã hội, giáo dục, du lịch và nhiều lĩnh vực khác. Đặc biệt, khi thực hiện chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội và Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về toàn dân chống dịch, toàn Trường Sĩ quan Chính trị (SQCT) nói chung và cán bộ, giảng viên, nhân viên Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ (VHNN) nói riêng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện mọi thông báo, hướng dẫn, chỉ thị về Phòng, chống dịch Covid – 19.

Những ngày thực hiện lệnh cấm trại tháng 3, tháng 4, cũng là thời điểm Khoa VHNN đảm nhiệm giảng dạy cả 2 khu A và B, cường độ huấn luyện cao; cách xa gia đình, xa con cái, những nỗi lo ngổn ngang bộn bề chất chứa trong lòng mỗi chúng tôi – những cán bộ, giảng viên, nhân viên Khoa VHNN, chắc hẳn mỗi người đều hướng về gia đình với những nỗi nhớ da diết, bởi mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi lo khác nhau. Thế nhưng, khi thông qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi được biết đến những tấm gương những chiến sĩ biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch đã hoãn cưới hay không thể về chịu tang cha mất để ở lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ; những y, bác sĩ đã rất lâu chưa được về nhà, bất chấp hiểm nguy, gian khổ cứu chữa bệnh nhân; những bà cụ tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn đóng góp những đồng tiền ít ỏi cho quỹ phòng, chống dịch,…Từ đó, chúng tôi tự nhủ phải vượt lên trên tất cả, giữ vững niềm tin, mạnh ý chí, động viên, giúp đỡ, chia sẻ cùng nhau những niềm vui, nỗi buồn, cùng đoàn kết hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Những lúc đó, chúng tôi thấy thương yêu nhau nhiều hơn, quan tâm nhau nhiều hơn và lắng nghe nhau nhiều hơn, chân tình và ấm áp thực sự như anh em trong một nhà.

Một điều đặc biệt nữa trong “Mùa Covid” mà chúng ta không thể nhắc tới, đó là những lớp học được tách đôi, giảng viên và học viên đều phải đeo khẩu trang và thực hiện quy định giãn cách, vì thế, cường độ huấn luyện càng cao hơn. Thời điểm đó, có những đồng chí giảng viên như Thiếu tá Nguyễn Thị Thủy (môn Lý luận Văn học), Thiếu tá Nguyễn Văn Hải (môn Địa lý chính trị) một mình đảm nhiệm giảng dạy môn học nên thường xuyên dạy 10 tiết một ngày và giảng dạy cả thứ 7. Khó khăn là vậy, nhưng thấm nhuần lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt”, từng cán bộ, giảng viên Khoa VHNN đã nỗ lực hết sức mình, vừa đảm bảo giảng dạy theo đúng tiến trình đồng thời đảm bảo chất lượng bài giảng tốt, tuyệt đối không có hiện tượng lơ là, chủ quan.

Dịch Covid – 19 như một phép thử và Khoa VHNN đã vượt qua phép thử đó bằng ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết tập thể và sự nỗ lực cố gắng của mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên trong Khoa. Tin tưởng rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần ấy, ý chí ấy để vượt qua mọi khó khăn, thử thách tiếp theo, tô hồng truyền thống của Khoa hơn 40 năm qua.

 

GIỌT NƯỚC MẮT

Một buổi tối yên tĩnh tại khu B, Trường Sĩ quan Chính trị - thành phố Bắc Ninh, khi đang trong giai đoạn cấm trại, một không khí trong lành đến lạ kỳ, đang tản bộ nhẹ nhàng quanh sân vận động thì tiếng chuông điện thoại reo, phía bên kia tiếng mẹ tôi dịu dàng vang lên:

-         Con à, có khỏe không?

-         Con khỏe mẹ ạ. Mẹ yên tâm. Tôi đáp lời mẹ.

-         Cấm trại trong đó có nhớ nhà không?

-         Nhớ chứ mẹ, nhưng con khắc phục được, nhiệm vụ mà mẹ.

-         Giỗ bố có thu xếp về được không?

-            Con không về được mẹ ạ, chúng con đang trong giai đoạn cấm trại cách ly, mẹ thông cảm cho con.

-       Thôi không sao, tình hình dịch bệnh như thế, tình trạng chung mà con. Cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé.

-           Vâng ạ. Mẹ và mọi người ở quê cũng giữ sức khỏe, phải cẩn thận phòng chống dịch Covid nhé.

Mẹ tắt máy, nhưng tôi biết mẹ đang có thoáng chút buồn, bởi cả năm có ngày giỗ bố mà con lại không về được.

Lòng bồi hỗi nghĩ về xa xăm, những kỷ niệm thời thơ ấu cùng gia đình ùa về trong tôi, hình ảnh người cha hiền từ hiển hiện ngay trước mắt… Đã 4 năm kể ngày bố rời xa chúng tôi đi vào cõi vĩnh hằng, năm nào ngày giỗ anh em chúng tôi cũng về họp mặt, thắp nén hương tưởng nhớ về người bố đã đi xa, cùng ôn lại những câu chuyện bố kể và những lời bố dặn, để cùng nhau hứa cố gắng nhiều hơn trong công việc và cuộc sống tốt, yêu thương nhau nhiều hơn.

Năm nay, ngày giỗ bố tôi đúng vào dịp dịch Covid 19 bùng phát, cả nước thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi thực hiện lệnh cấm trại tại Trường, tức là tôi không thể về quê vào ngày giỗ để thắp hương cho bố. 

Lòng nghẹn ngào, giọt nước mắt đã lăn dài trên má tự lúc nào, bất chợt có một bàn tay nhẹ nhàng đặt trên vai tôi, một giọng nói nhè nhàng mà đầy quen thuộc vang lên:

-         Sao lại ngồi khóc một mình ở đây thế em, có chuyện gì thế?

-           Dạ, không có gì đâu chị. Khi tôi quay lại đó là chị Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở Khoa.

-         Chị biết rồi, chắc em không về được giỗ bố đúng không?

Tôi lặng lẽ gật đầu, chị an ủi: Mạnh mẽ lên em, đó là điều bất khả kháng, chị tin là mẹ và gia đình sẽ hiểu và thông cảm cho em. Đợi sau này khi điều kiện thuận lợi hơn, em sẽ về thắp hương cho bố. Em nghĩ xem, có nhiều người còn khó khăn hơn như hoãn cưới, không về chịu tang bố để thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch, nên chị em mình càng phải vững vàng hơn em ạ.

Tôi đứng dậy, lau khô giọt nước mắt, tôi nói với chị: Chị nói đúng, em còn rất nhiều dịp để về quê, nên bây giờ em phải mạnh mẽ và cố gắng nhiều hơn để bố và gia đình có thể tự hào về em.

 

NHỮNG TINH THẦN THÉP

 Trong những ngày tháng 6, tháng 7 là thời điểm nắng nóng gay gắt, khiến mọi người chỉ muốn “tránh nóng” bằng những căn phòng mát lạnh với quạt và điều hòa. Vì thế, được chứng kiến những chiến sĩ Đặc công luyện tập nhiệm vụ chống khủng bố CK20 trong điều kiện thời tiết đó, tôi mới thực sự cảm thấy khâm phục họ biết nhường nào.

Dân gian xưa đã từng nói “Nắng Sơn Tây, mây Ba Vì” để thấy được sự khắc nghiệt đến muốn cháy da thịt của cái nắng Sơn Tây, ấy vậy mà những chiến sĩ đặc công luyện tập thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin dưới cái nắng 400C tại Trường SQCT toát lên những tinh thần thép, ý chí thép phi thường đến vậy. Trong một buổi sáng, trên đường đi làm, tình cờ tôi có dịp trò chuyện cùng em - Thiếu úy tên là Hòa, một nữ chiến đấu viên của binh chủng Đặc Công – một bông hồng thép với dáng người cao ráo đầy mạnh mẽ và chắc chắn, khi em cùng những đồng đội đang ngồi nghỉ trước giờ luyện tập, câu chuyện tự nhiên giữa hai nữ quân nhân chưa từng quen biết nhưng lại vô cùng sôi nổi:

-      Làm chiến đấu viên có vất vả không em? Tôi hỏi.

-      Vất vả chứ chị, các anh mà vất vả một, chúng em là nữ còn vất vả hơn gấp nhiều lần.

-      Thế sao em lại chọn nghề này?

-      Vì em yêu thích chị ạ, từ nhỏ em đã thích tập võ, lớn lên em mơ ước được trở thành chiến sĩ trừng trị kẻ xấu, mang lại bình yên cho mọi người. Hòa - cô gái chưa đầy 30 tuổi khẽ nở nụ cười tươi tắn nhưng đầy tự hào, kiêu hãnh. Tôi cảm nhận trong ánh mắt em có một niềm vui nho nhỏ khi nói về ước mơ của mình nay đã trở thành sự thật.

-      Là con gái, lại đảm nhận công việc vất vả và nguy hiểm vậy, có bao giờ em nghĩ sẽ bỏ cuộc không?

-      Ban đầu, khi chưa quen với điều kiện luyện tập cường độ cao, có những lúc căng thẳng quá, em cũng có chút buồn chị ạ, nhưng được các anh, chị cùng đội quan tâm, giúp đỡ, động viên, nghĩ đến ý nghĩa quan trọng của công việc chống khủng bố nên em vượt qua được hết chị ạ.

             Tôi được nghe em kể về quá trình rèn luyện đầy gian khổ, kỳ công, tốn biết bao mồ hôi, công sức thậm chí là máu để trở thành người Chiến đấu viên như bây giờ. Câu chuyện chỉ kết thúc khi em cùng mọi người bắt đầu vào giờ luyện tập, trước khi chia tay tôi chỉ kịp chúc em và mọi người mạnh khỏe, chân cứng đá mềm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đem lại bình yên cho cuộc sống.

             Một câu chuyện nhỏ, diễn ra đầy bất ngờ nhưng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi khâm phục và trân trọng Em nói riêng và những chiến đấu viên nói chung đã không màng hiểm nguy, gian khổ và cả sự hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi quân nhân trong lực lượng vũ trang đều đảm nhận những công việc đặc thù riêng biệt, góp phần tạo nên một Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, điều đó khiến tôi tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để xứng đáng với danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ”.

             Năm học mới 2020 – 2021 đã bắt đầu, khi dịch Covid – 19 đã quay trở lại nước ta và có những diễn biến phức tạp, chắc chắn sẽ còn rất nhiều khó khăn, lòng tự nhủ bản thân phải càng cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành công việc của mình, chung tay cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến thắng “giặc Covid”. /.

 

 

 

 

1 nhận xét:

Đăng nhận xét