Phùng Văn Lập
Khi đã biết về Trường Sa, nếu bắt gặp sáng tác về con
người, cảnh sắc biển đảo nơi đây, tình cảm vẹn nguyên và tươi mới sẽ thức dậy
trong tâm tưởng. Đó là suy nghĩ ban đầu khi theo dòng cảm xúc của Khoảng khắc đêm Trường Sa và Cảm tác Đảo Đá Tây mà đồng chí Thiếu tướng
Nguyễn Xuân Trường đã lựa chọn chuyển đến bạn đọc từ chùm thơ được hoàn thành
trong chuyến công tác tới Trường Sa vừa qua. Mỗi người sẽ có cảm nhận khác
nhau, ở bài viết này, xin được giãi bày những cảm thụ bước đầu, chưa đầy đủ về
hai bài thơ ấy.
Chan hòa cảm xúc với những vần
thơ trong Khoảng khắc đêm Trường Sa, người đọc sẽ được sẻ chia, trao gửi những cảm
nhận của tác giả dành cho những con người nơi ngàn trùng sóng vỗ cách xa đất liền,
đó là khi được vỡ òa trong không gian nghệ thuật độc đáo, với tiết mục đầy ấn
tượng, được cho là tâm điểm, khởi nguồn của cảm xúc, mặc dù là “…mười ba ca sĩ
nhí …mười ba chàng, nàng dũng sĩ Biển Đông”. Hát, múa vốn là loại hình sinh hoạt
văn hóa tinh thần, lấy cảm xúc, tình cảm và bằng cảm xúc, tình cảm để thể hiện,
phản ánh tâm hồn, nó dễ đi vào tâm khảm, đánh thức miền ý thức văn hóa. Nếu đọc
trọn vẹn khổ thơ này, và đặt vào hoàn cảnh là khán giả giao lưu đang trữu nặng
ưu tư, suy ngẫm về Trường Sa sẽ thấy hết, cảm thức được bừng lên, nửa như hứng
thú, nửa như cảm phục, bởi trên sân khấu đảo ngay dưới mốc chủ quyền, diễn viên
trình diễn tiết mục này có mười ba, nhưng đấy là “Mười ba giọng ca trong trẻo/mười ba người con của bão/ mười ba chàng,
nàng dũng sĩ Biển Đông”. Sự lặp từ có chủ ý đã giúp người đọc liên tưởng đến
khúc đồng dao đồng nội thấm đẫm tình quê, nhanh chóng bị cuốn vào nét “Thật hồn nhiên, mộc mạc, trắng trong” của
các em là hiện thân, hiện hữu của tương lai, sức sống Trường Sa.
Vẫn biết ở tuổi nhí, tươi vui, ngộ
nghĩnh là thường tình, nhưng có lẽ từ mặn
mòi của biển cả, hòa nhập với cuộc sống của những con người ngày đêm canh giữ
biển trời, đối diện với hiểm nguy, sẵn sàng có cả vinh quang và bi tráng, mang
sứ mạng giữ hình đất nước trên đại dương, canh chừng cho đất Mẹ từ xa, xem đảo
là nhà, biển đảo là quê hương nên các em đã thành chàng, thành nàng ca sĩ –
dũng sĩ ẩn chứa nhiều nét rắn rỏi, trưởng thành mà tác giả đã giúp bạn đọc cảm
nhận. Trong vũ điệu hồn nhiên ngộ nghĩnh các em hướng lên “Những cặp mắt đen xoe tròn kiêu hãnh”, tự hào cất lên “Quê em có biển trời/ bốn mùa xanh bao la”,
tự hào được “Sinh ra ở Trường Sa/em là
con của biển” với khát vọng tiếp nối tinh thần dân tộc gìn giữ bờ cõi
thiêng liêng, trường tồn, phát triển, “Em
muốn đảo ngầm một mai thành đảo nổi/ cũng có sân trường rợp bóng những hàng
cây/ Em ở Trường Sa nhà bạn Song Tử Tây/ Còn bao bạn ở Sinh Tồn – san hô, cát
trắng ”.
Đến với Trường Sa, là đến với những
người dân đất Việt chung sống trên dải đất thiêng của Tổ quốc, là đến với những
người lính đảo. Chúng ta hãy cùng tác giả chiêm ngưỡng hình ảnh người Lính Trường
Sa qua những chấm phá, giàu tính biểu tượng của áng thơ chất chứa, đong đầy
tình cảm trong Cảm tác đảo Đá Tây, “Khô
ráp bàn tay chai sần đá sỏi/Khuôn mặt sạm đen nhòa nắng đảo/và nụ cười lóa trắng
trên môi/ Tôi bắt gặp những ánh mắt trùng khơi/ Chất chứa nỗi niềm riêng của biển/
Vời vợi, thẳm sâu, nhiệt thành, sôi nổi”. Có lẽ chỉ bằng sự quan sát tinh tế,
trải nghiệm sâu sắc từ thực tế mới làm chủ được lối diễn đạt giàu hình ảnh ấy,
không cần miêu tả quá cụ thể, quá thực tế nhưng vẫn khắc họa đầy đủ tâm tình,
khí phách của người Lính đảo Trường Sa; không cần mô tả sự khó khăn phải vượt
qua, nhiệm vụ phải đảm trách vẫn có thể hình dung rõ ràng, rành rẽ những thử
thách khắc nghiệt mà họ phải đối mặt
,
cái mà chính nó đã làm nên “Bàn tay chai
sần sỏi đá”, “Khuôn mặt sạm đen”.
Tiếp nối mạch nguồn dòng cảm xúc, cũng như bài thơ Khoảng
khắc đêm Trường Sa, tác giả dành cho mình sự quan sát, thấu cảm, và dẫn dắt người
đọc hiểu thêm, hiểu sâu tâm trạng, tinh thần người Lính đảo Trường Sa qua thần
thái của “Ánh mắt trùng khơi”. Tác giả đã đúng khi nhận thấy “Những cặp mắt đen xoe tròn kiêu hành” của
các “Chàng, Nàng Biển Đông” và cũng
đúng khi chạm đến sâu thẳm của “..những
người lính Trường Sa”, họ dù có “Nụ
cười trắng lóa trên môi” nhưng vẫn “Chất
chứa nỗi niềm riêng của biển/Vời vợi, thẳm sâu, nhiệt tình, sôi nổi” (Cảm
tác Đảo Đá Tây).
Ai đó, trong chúng ta đã từng nghĩ rằng, ngày nay với
sự quan tâm của cả nước, được cả nước chắt chiu vun đắp, thân gửi tấm lòng cảm
phục, tri ân của cộng đồng nên cuộc sống ở biển khơi xa, ở Trường Sa đã có sự đổi
thay, ngày càng bắt kịp với điều kiện sinh hoạt, học tập, công tác chung của xã
hội, của đất nước, thậm chí có người “hồn nhiên” nhận xét, môi trường sống của
Lính đảo Trường Sa có khác nhiều đâu so với đất liền, cũng đủ hình hài làng
quê, phố thị thời hiện đại với cảnh quan, thiết chế văn hóa, nhà cửa, chùa chiền,…
cũng đủ phương tiện, thiết bị của thời @, điện gió, thông tin kỹ thuật số…Và với
sự ưu tiên phát triển, hệ thống truyền thông đã hàng ngày, hàng giờ nối liền
tình cảm biển đảo với đất liền, đất liền với biển đảo, luôn chắp cánh, thăng
hoa, nuôi dưỡng, bù đắp, khỏa lấp những thiếu hụt tình cảm, cái vốn là hợp phần
quan trọng tạo nên nhân cách, bản chất người. Hơn nữa, người ta có thể hiểu, cảm
nhận về Trường Sa qua nhiều kênh phong phú, đa dạng, nhiều chiều mà không nhất
thiết phải đến trực tiếp trải nghiệm Trường Sa. Song như lẽ tự nhiên, cũng vì
thế, người Lính Trường sa cũng càng thêm đau đáu, cảm nhận nhịp sống của đất liền,
nơi ấy là yên bình, mọi người hối hả trong thanh điệu hối thúc lợi ích đa chiều,
phức tạp trong nền kinh tế thị trường tuy có định hướng nhưng cũng còn không ít
ngổn ngang, bề bộn, cái vẫn đang chiếu rọi, kích thích tư tưởng, tình cảm, thái
độ đa màu về cuộc sống. Ý tại ngôn ngoại, dù tác giả chưa nói rõ ra, nhưng lại
là thông điệp mạnh mẽ có ý nghĩa cải biến những suy nghĩ “hồn nhiên” của một số
người thông qua sự cảm thông, sẻ chia những “Chất
chứa” rất nhân bản, nhăn văn được gọi thành tên là “Nỗi niềm riêng của biển”.
Ai đã từng trải qua tâm trạng “Vời vợi” và “Thẳm sâu” mới
có thể hiểu và đồng thuận với cảm xúc của tác giả. Nghĩ sâu hơn, điều làm nên ý
tứ của đoạn thơ còn được sử dụng trong thế tương phản “Vời vợi, thẳm sâu” với “Nhiệt
thành, sôi nổi”. Nhìn người Lính Trường Sa mến khách, tự tin, khí phách,
tươi trẻ, can trường, hiên ngang, sẵn sàng chấp nhận hy sinh là thế nhưng trong
họ cũng không ít suy tư, trăn trở, nghĩ ngợi khi đang xa quê hương, xa mái ấm
gia đình, người thân. Cũng có người từng nghĩ, người lính ở đâu chẳng xa nhà,
thiếu thốn tình cảm, cứ gì phải ở Trường Sa. Họ chưa đủ giàu cảm xúc để hiểu “Nỗi niềm riêng của biển”, biển mênh
mông ngàn trùng, biển có khi là mẹ hiền, nhưng biển cũng hào phóng ban phát cơn
giận dữ mà chẳng rõ lý do, có những lúc biển dậy sóng, ẩn chứa hiểm nguy từ tâm
địa, hành động đen tối ngày đêm giăng mắc, bủa vây, thách thức tinh thần kiên
gan, kiên trung bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Sống với biển mới có thể thấm được dạt dào sóng biển
cùng phong ba bão táp của tạo hóa và nhân hóa. Tình biển đảo ngấm vào Chiến sĩ
Trường Sa, ngấm vào tác giả và lan tỏa, thẩm thấu đến người đọc.
Diễn tả tình cảm, nhắn gửi với con người Trường Sa với
hai đối tượng đặc trưng là các em nhí và Người lính Trường Sa, tác giả chú tâm
phản ánh tình cảm chân thành, thiện nguyện của họ, là không phụ lòng sự quan
tâm, tin trao của đồng bào cả nước. Hãy nghe “Mười ba giọng ca trong trẻo” tâm nguyện, “Em khao khát những chuyến tàu yêu thương/mang hơi ấm từ đất liền ra đảo…”
(Khoảng khắc đêm Trường Sa), những tâm sự, mối giao cảm của những người Lính
Trường Sa với đất liền và đất liền với Lính Trường Sa “Một thoáng buồn giữ lại lúc chia xa…” (Cảm tác Đảo Đá Tây). Tác giả đã truyền cảm hứng và neo giữ
trong bạn đọc tâm trạng bồi hồi, bịn rịn với người thân, đồng đội của “Đêm chia ly Trường Sa/Những cánh tay lưu
luyến/lệ nhòa cầu cảng/ Chúng tôi mang theo ước mơ/những người con của biển/
Day dứt, cồn cào nỗi nhớ Trường Sa ” (Khoảng khắc đêm Trường Sa). Một đối
ngẫu, cộng hưởng tình cảm được tác giả sẻ chia sâu sắc, đậm đà.
Hình ảnh ít gặp trong thi ca, cũng là bút pháp riêng của
tác giả khi khắc họa “Những cánh tay lưu luyến, lệ nhòa cầu cảng”
đã làm không gian biển trời đan chiều dài nỗi nhớ, chứa chan, ngập tràn tình biển,
tình người.
Sẽ là chưa đầy đủ, nếu chưa nhận thấy, chính trong khoảng khắc, trong cảm tác tâm tình, trong mối giao hòa tình biển đảo, tình người đã
kích hoạt, làm bừng sáng lên tinh thần cộng đồng trách nhiệm công dân, trách
nhiệm người lính với Tổ quốc thân yêu, với thế hệ tương lai đầy ắp ước mơ là chủ
nhân của biển đảo trường tồn, phát triển, “Em
muốn đảo ngầm một mai thành đảo nổi/Cũng có sân trường rợp bóng những hàng
cây….Em muốn được theo những con tàu vượt sóng/Đến với bạn bè, cay đắng sẻ chia”
để tác giả sẵn sàng đón nhận vai trò nối dài, chắp cánh, “Chúng tôi mang theo ước mơ/ những người con của biển/ Day dứt, cồn cào
nỗi nhớ Trường Sa” (Khoảnh khắc đêm Trường Sa); và cũng với đồng đội ngàn lần
cảm phục, tin yêu “Tạm biệt nhé Đảo Đá
Tây A/ Tàu chuyển hướng mang theo lời thề nguyện/ Nam quốc sơn hà xin giữ trọn/
Đảo mãi trường tồn đất mẹ Việt Nam” (Cảm tác Đảo Đá Tây). Đan cài cảm xúc “Day dứt, cồn cào nỗi nhớ”, “Một thoáng buồn
giữ lại lúc chia xa” với bổn phận tự thân “Mang theo ước mơ”, “Mang theo lời thề nguyện” đã diễn tả rất thành
công ý tứ hàm súc khi thẩm thấu vào nhau của trái tim và lý trí. Khí phách dân
tộc, khát vọng trường tồn, phát triển thấm sâu vào người dân đảo, người lính đảo,
tác giả và chúng ta được hòa quyện trong khúc ca sâu lắng từ vần thơ uyển chuyển
có nhân cốt tráng ca.
Cảm hứng của tác giả tập trung vào con người nơi đảo
xa nên cảnh sắc của Trường Sa theo đó cũng nên thơ, trữ tình. Không phải ngẫu nhiên
tác giả nhắc đến ca từ của bài hát, của các diễn viên nhí, bởi nó như là tiếng
đồng vọng về thiên nhiên Trường Sa “Quê
em ở Trường Sa/ giữa đảo chìm, đảo nổi/ Quê em có biển trời/ bốn mùa xanh bao
la” (Khoảng khắc đêm Trường Sa), và đây nữa là nét phác thảo về thiên thiên
Đảo Đá Tây “Lấp loáng san hô trắng nhòa
nước biếc/ nghe rì rào thanh âm biển hát/Bình minh dát bạc lối vào”. Cảnh sắc
thiên nhiên thật đẹp, sinh động, cuốn hút, làm nao lòng, nhưng có lẽ mới chỉ là
cái thưởng ngoạn, chiều cảm nhận vì thế chưa thể vẹn toàn, bởi chủ điểm hai bài
thơ hướng đến dẫn dắt người đọc vào miền suy ngẫm thẳm sâu hơn, đó là thiên
nhiên được giữ gìn, kiến tạo bởi bàn tay, khối óc con người. Đó là “Đảo ngầm một mai thảnh đảo nổi, có sân trường
rợp bóng những hàng cây” đã và sẽ có trong hiện thực và trong suy nghĩ, ước
muốn của Chàng, Nàng Dũng sĩ Biển Đông; và hiển hiện “Đá Tây A sừng sững một pháo đài/Cây Bàng Vuông nghiêng xòa tháp
pháo/San sát hàng Tra nảy chồi sau bão/ Cây kiểng, rau xanh chen vách chiến hào/
Đảo Đá Tây – Đảo “đá âu tầu/kết nối yêu thương cộng đồng biển đảo/ Hồ rộng mênh
mông khơi nguồn thủy sản/ Đón những con tàu neo bến khơi xa” (Cảm tác Đảo
Đá Tây), hẳn nhiên đó là công trình
kết tinh trí tuệ, công sức; là thành quả lao động, chinh phục thiên nhiên, là
hoa trái từ quá trình cống hiến quên mình của người con đất Việt trên biển đảo
Trường Sa.
Khi đọc hai bài thơ trong chùm thơ về Trường Sa, độc
giả sẽ thấy được chân dung con người, Lính Đảo Trường Sa, dẫu không thấy khăn
quàng đỏ, tiếng học bài ê a, vui cắp sách đến trường của con trẻ, …không thấy
sao trên mũ, trang phục quân đội chỉnh tề, tư thế trang nghiêm chào cờ Tổ quốc,
bản lĩnh sẵn sàng giáp trận khi đối diện với quân thù…của người Lính Biển đảo.
Chỉ có thế thôi mà vẫn ngời sáng phẩm chất những con người bám trụ Trường Sa.
Cách khắc họa hình ảnh độc đáo này của tác giả cùng với âm hưởng, thanh âm sâu
lắng không ồn ào, không quá hào sảng đã góp phần không nhỏ khơi nguồn tâm thức,
đắp bồi, lưu giữ tình cảm của người đọc. Tình cảm đó còn được dẫn dụ bởi mạch
nguồn cảm xúc, tình cảm được khai triển có lớp lang rõ ràng, mạnh lạc, có chiều
sâu suy ngẫm, có chiều sâu tư duy của người chuyên nghiên cứu triết học, văn
hóa học, càng làm cho người đọc không dễ nhạt nhòa dòng cảm xúc với sáng tác của
tác giả.
Hà Nội, tháng 4/2018
0 nhận xét:
Đăng nhận xét