BÙI KIM BÂN[1]
Cuối tuần,
ngồi bên chiếc bàn quen thuộc trong căn phòng nhỏ, tôi nhâm nhi ly cà phê. Đôi
tay gõ theo nhịp thanh âm phát ra từ chiếc radio đã bạc màu. Bản nhạc quen
thuộc của Nhạc sĩ Vũ Hoàng: “... Em yêu phút giây này/ Thầy em, tóc như bạc
thêm/ Bạc thêm vì bụi phấn/ Cho em bài học hay…" chợt đưa tôi miên man
tìm về miền ký ức.
Người thầy đầu tiên khi ngày đầu tôi
đặt chân đến Trường Sĩ quan Chính trị - Quân sự năm 1989 cũng chính là người
chỉ huy đơn vị - nay là Đại tá Nguyễn
Đình Cương, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7, Trường Sĩ quan Chính trị -
Quân sự niên khóa 1989 - 1992. Ngày đầu nhập
học, chúng tôi ai nấy đều mừng rỡ, gương mặt thanh tú rạng ngời. Với tôi bao
trùm là sự non nớt, khờ khạo của một cậu bé vừa xa quê hương, rời ghế phổ thông
trung học bước vào quân ngũ.
Trải
qua quá trình học tập, rèn luyện tại Trường, được sự giáo dục, quản lý và chỉ bảo
ân cần của các thầy, cô giáo, của đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là người chỉ huy
cao nhất Tiểu đoàn lúc ấy và sự động viên của đồng đội, bạn bè, tôi đã lớn khôn
và trưởng thành lên từng ngày ... Có thể nói bài học sâu sắc đầu tiên đọng lại trong
tôi ngay buổi đầu gặp mặt chính là từ đồng chí Tiểu đoàn trưởng, Ông nói với
học viên chúng tôi rằng “Muốn trở thành người cán bộ tốt và làm được
cán bộ tốt, điều trước tiên phải nỗ lực cố gắng, phải vượt qua chính mình, phải
có cái tâm, tâm sáng thì mới có trí cao...”. Những lời chỉ bảo của một người Thầy đi trước dạn dày kinh nghiệm dành
cho những học viên mới chúng tôi không khác gì kim chỉ nam cho hành động; trong
suốt khoá học, chúng tôi không ngừng nỗ lực, cố gắng, đoàn kết phấn đấu vươn
lên góp phần vào thành tích chung của đơn vị.
Giờ
đây tôi cùng nhiều bạn bè đã phát triển, trở thành cán bộ cấp cao của Quân đội,
song những ngày tháng tươi đẹp và đầy ý nghĩa của một thời tuổi trẻ ấy luôn in
đậm trong tâm trí tôi. Những lời căn dặn bình dị mà sâu sắc ngày nào của Ông
vẫn được tôi khắc ghi trong miền ký ức và xem như những hành trang quý giá
trong suốt quá trình công tác.
Kết thúc quản
lý khoá học viên chúng tôi, một thời gian ngắn sau đó Ông chuyển vùng về làm
Chánh Thanh tra, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, được thăng quân hàm cấp Đại tá và hiện
đã nghỉ hưu tại quê hương Thái Bình.
Năm
trước, nhân dịp đi công tác, tôi được gặp lại Ông, Ông giờ sức khoẻ yếu đi
nhiều, tóc đã ngả màu, bụi thời gian in đậm trên đôi mắt hoắm sâu vết chân chim
nhưng đôi mắt thì vẫn tinh tường như ngày nào, vẫn dõi theo từng bước trưởng
thành của những người học trò năm ấy.
Cuộc sống
không phải lúc nào cũng giản đơn và bình lặng, trong bộn bề của những lo toan
tất bật đời thường, của công việc, đôi lúc tôi lãng quên đi bài học của Thầy. Cũng
có lúc cảm thấy chán nản, sống tự ti, tự phụ, bằng lòng với những gì mình đang
có... Và những lúc như thế, lời căn dặn của Thầy lại hiện hữu, rót vào tâm trí tôi
từng chữ, từng lời mộc mạc, chân tình: "Đời người vô thường lắm, nếu các bạn hơn người được một tí liệu các bạn
có vui hơn không?". Vài chữ thôi, mà đã bao lần tôi như giải thoát
được chính mình khỏi lối mòn cũ kỹ, để rồi ngày ngày không ngừng nỗ lực, phấn
đấu vươn lên...
“... Lữ hành kia đã sang sông
Có ai còn nhớ đến ông chèo đò...”
Ông
như người chuyên trở bao chuyến đò học viên qua sông, cập bến bờ khát vọng,
trong đó có chúng tôi. Hỏi rằng lữ hành khi đã sang sông liệu còn mấy ai nhớ
đến người chèo đò năm ấy?.
Chợt
giật mình khi bài hát kết thúc, tiếc nuối xen lẫn bồi hồi…tôi rút điện thoại
bấm số… niềm vui mừng khôn xiết khi tôi bắt gặp giọng nói ân tình, nồng ấm và
rất đỗi thân quen của người Thầy năm xưa./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét