Pages

TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

MÙA HÈ KHÔNG QUÊN

 


Đại úy: Triệu Thu Thủy

Giảng viên Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ

Khi những cơn mưa rào cuối hạ cuốn theo cái nắng nóng rời đi nhường chỗ cho những làn gió mát nhè nhẹ thổi mơn man vài chùm hoa sữa bung nở sớm báo hiệu mùa thu đến, cũng là lúc bước vào một năm học mới 2020 – 2021 tại Trường Sĩ quan Chính trị, nhưng những kỷ niệm về một mùa hè đặc biệt của năm học 2019 – 2020 tại cho tôi những xúc cảm không thể nào quên. Những câu chuyện nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, giúp tôi thêm động lực vững bước trên con đường mình đã chọn.

KHẮC GHI LỜI BÁC DẠY “DÙ KHÓ KHĂN ĐẾN ĐÂU CŨNG PHẢI DẠY TỐT, HỌC TỐT”

Năm 2020 bắt đầu khi đại dịch Covid – 19 bùng phát trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đã gây ảnh hưởng nặng nề cả về kinh tế, xã hội, giáo dục, du lịch và nhiều lĩnh vực khác. Đặc biệt, khi thực hiện chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội và Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về toàn dân chống dịch, toàn Trường Sĩ quan Chính trị (SQCT) nói chung và cán bộ, giảng viên, nhân viên Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ (VHNN) nói riêng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện mọi thông báo, hướng dẫn, chỉ thị về Phòng, chống dịch Covid – 19.

Những ngày thực hiện lệnh cấm trại tháng 3, tháng 4, cũng là thời điểm Khoa VHNN đảm nhiệm giảng dạy cả 2 khu A và B, cường độ huấn luyện cao; cách xa gia đình, xa con cái, những nỗi lo ngổn ngang bộn bề chất chứa trong lòng mỗi chúng tôi – những cán bộ, giảng viên, nhân viên Khoa VHNN, chắc hẳn mỗi người đều hướng về gia đình với những nỗi nhớ da diết, bởi mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi lo khác nhau. Thế nhưng, khi thông qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi được biết đến những tấm gương những chiến sĩ biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch đã hoãn cưới hay không thể về chịu tang cha mất để ở lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ; những y, bác sĩ đã rất lâu chưa được về nhà, bất chấp hiểm nguy, gian khổ cứu chữa bệnh nhân; những bà cụ tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn đóng góp những đồng tiền ít ỏi cho quỹ phòng, chống dịch,…Từ đó, chúng tôi tự nhủ phải vượt lên trên tất cả, giữ vững niềm tin, mạnh ý chí, động viên, giúp đỡ, chia sẻ cùng nhau những niềm vui, nỗi buồn, cùng đoàn kết hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Những lúc đó, chúng tôi thấy thương yêu nhau nhiều hơn, quan tâm nhau nhiều hơn và lắng nghe nhau nhiều hơn, chân tình và ấm áp thực sự như anh em trong một nhà.

Một điều đặc biệt nữa trong “Mùa Covid” mà chúng ta không thể nhắc tới, đó là những lớp học được tách đôi, giảng viên và học viên đều phải đeo khẩu trang và thực hiện quy định giãn cách, vì thế, cường độ huấn luyện càng cao hơn. Thời điểm đó, có những đồng chí giảng viên như Thiếu tá Nguyễn Thị Thủy (môn Lý luận Văn học), Thiếu tá Nguyễn Văn Hải (môn Địa lý chính trị) một mình đảm nhiệm giảng dạy môn học nên thường xuyên dạy 10 tiết một ngày và giảng dạy cả thứ 7. Khó khăn là vậy, nhưng thấm nhuần lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt”, từng cán bộ, giảng viên Khoa VHNN đã nỗ lực hết sức mình, vừa đảm bảo giảng dạy theo đúng tiến trình đồng thời đảm bảo chất lượng bài giảng tốt, tuyệt đối không có hiện tượng lơ là, chủ quan.

Dịch Covid – 19 như một phép thử và Khoa VHNN đã vượt qua phép thử đó bằng ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết tập thể và sự nỗ lực cố gắng của mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên trong Khoa. Tin tưởng rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần ấy, ý chí ấy để vượt qua mọi khó khăn, thử thách tiếp theo, tô hồng truyền thống của Khoa hơn 40 năm qua.

 

GIỌT NƯỚC MẮT

Một buổi tối yên tĩnh tại khu B, Trường Sĩ quan Chính trị - thành phố Bắc Ninh, khi đang trong giai đoạn cấm trại, một không khí trong lành đến lạ kỳ, đang tản bộ nhẹ nhàng quanh sân vận động thì tiếng chuông điện thoại reo, phía bên kia tiếng mẹ tôi dịu dàng vang lên:

-         Con à, có khỏe không?

-         Con khỏe mẹ ạ. Mẹ yên tâm. Tôi đáp lời mẹ.

-         Cấm trại trong đó có nhớ nhà không?

-         Nhớ chứ mẹ, nhưng con khắc phục được, nhiệm vụ mà mẹ.

-         Giỗ bố có thu xếp về được không?

-            Con không về được mẹ ạ, chúng con đang trong giai đoạn cấm trại cách ly, mẹ thông cảm cho con.

-       Thôi không sao, tình hình dịch bệnh như thế, tình trạng chung mà con. Cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé.

-           Vâng ạ. Mẹ và mọi người ở quê cũng giữ sức khỏe, phải cẩn thận phòng chống dịch Covid nhé.

Mẹ tắt máy, nhưng tôi biết mẹ đang có thoáng chút buồn, bởi cả năm có ngày giỗ bố mà con lại không về được.

Lòng bồi hỗi nghĩ về xa xăm, những kỷ niệm thời thơ ấu cùng gia đình ùa về trong tôi, hình ảnh người cha hiền từ hiển hiện ngay trước mắt… Đã 4 năm kể ngày bố rời xa chúng tôi đi vào cõi vĩnh hằng, năm nào ngày giỗ anh em chúng tôi cũng về họp mặt, thắp nén hương tưởng nhớ về người bố đã đi xa, cùng ôn lại những câu chuyện bố kể và những lời bố dặn, để cùng nhau hứa cố gắng nhiều hơn trong công việc và cuộc sống tốt, yêu thương nhau nhiều hơn.

Năm nay, ngày giỗ bố tôi đúng vào dịp dịch Covid 19 bùng phát, cả nước thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi thực hiện lệnh cấm trại tại Trường, tức là tôi không thể về quê vào ngày giỗ để thắp hương cho bố. 

Lòng nghẹn ngào, giọt nước mắt đã lăn dài trên má tự lúc nào, bất chợt có một bàn tay nhẹ nhàng đặt trên vai tôi, một giọng nói nhè nhàng mà đầy quen thuộc vang lên:

-         Sao lại ngồi khóc một mình ở đây thế em, có chuyện gì thế?

-           Dạ, không có gì đâu chị. Khi tôi quay lại đó là chị Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở Khoa.

-         Chị biết rồi, chắc em không về được giỗ bố đúng không?

Tôi lặng lẽ gật đầu, chị an ủi: Mạnh mẽ lên em, đó là điều bất khả kháng, chị tin là mẹ và gia đình sẽ hiểu và thông cảm cho em. Đợi sau này khi điều kiện thuận lợi hơn, em sẽ về thắp hương cho bố. Em nghĩ xem, có nhiều người còn khó khăn hơn như hoãn cưới, không về chịu tang bố để thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch, nên chị em mình càng phải vững vàng hơn em ạ.

Tôi đứng dậy, lau khô giọt nước mắt, tôi nói với chị: Chị nói đúng, em còn rất nhiều dịp để về quê, nên bây giờ em phải mạnh mẽ và cố gắng nhiều hơn để bố và gia đình có thể tự hào về em.

 

NHỮNG TINH THẦN THÉP

 Trong những ngày tháng 6, tháng 7 là thời điểm nắng nóng gay gắt, khiến mọi người chỉ muốn “tránh nóng” bằng những căn phòng mát lạnh với quạt và điều hòa. Vì thế, được chứng kiến những chiến sĩ Đặc công luyện tập nhiệm vụ chống khủng bố CK20 trong điều kiện thời tiết đó, tôi mới thực sự cảm thấy khâm phục họ biết nhường nào.

Dân gian xưa đã từng nói “Nắng Sơn Tây, mây Ba Vì” để thấy được sự khắc nghiệt đến muốn cháy da thịt của cái nắng Sơn Tây, ấy vậy mà những chiến sĩ đặc công luyện tập thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin dưới cái nắng 400C tại Trường SQCT toát lên những tinh thần thép, ý chí thép phi thường đến vậy. Trong một buổi sáng, trên đường đi làm, tình cờ tôi có dịp trò chuyện cùng em - Thiếu úy tên là Hòa, một nữ chiến đấu viên của binh chủng Đặc Công – một bông hồng thép với dáng người cao ráo đầy mạnh mẽ và chắc chắn, khi em cùng những đồng đội đang ngồi nghỉ trước giờ luyện tập, câu chuyện tự nhiên giữa hai nữ quân nhân chưa từng quen biết nhưng lại vô cùng sôi nổi:

-      Làm chiến đấu viên có vất vả không em? Tôi hỏi.

-      Vất vả chứ chị, các anh mà vất vả một, chúng em là nữ còn vất vả hơn gấp nhiều lần.

-      Thế sao em lại chọn nghề này?

-      Vì em yêu thích chị ạ, từ nhỏ em đã thích tập võ, lớn lên em mơ ước được trở thành chiến sĩ trừng trị kẻ xấu, mang lại bình yên cho mọi người. Hòa - cô gái chưa đầy 30 tuổi khẽ nở nụ cười tươi tắn nhưng đầy tự hào, kiêu hãnh. Tôi cảm nhận trong ánh mắt em có một niềm vui nho nhỏ khi nói về ước mơ của mình nay đã trở thành sự thật.

-      Là con gái, lại đảm nhận công việc vất vả và nguy hiểm vậy, có bao giờ em nghĩ sẽ bỏ cuộc không?

-      Ban đầu, khi chưa quen với điều kiện luyện tập cường độ cao, có những lúc căng thẳng quá, em cũng có chút buồn chị ạ, nhưng được các anh, chị cùng đội quan tâm, giúp đỡ, động viên, nghĩ đến ý nghĩa quan trọng của công việc chống khủng bố nên em vượt qua được hết chị ạ.

             Tôi được nghe em kể về quá trình rèn luyện đầy gian khổ, kỳ công, tốn biết bao mồ hôi, công sức thậm chí là máu để trở thành người Chiến đấu viên như bây giờ. Câu chuyện chỉ kết thúc khi em cùng mọi người bắt đầu vào giờ luyện tập, trước khi chia tay tôi chỉ kịp chúc em và mọi người mạnh khỏe, chân cứng đá mềm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đem lại bình yên cho cuộc sống.

             Một câu chuyện nhỏ, diễn ra đầy bất ngờ nhưng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi khâm phục và trân trọng Em nói riêng và những chiến đấu viên nói chung đã không màng hiểm nguy, gian khổ và cả sự hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi quân nhân trong lực lượng vũ trang đều đảm nhận những công việc đặc thù riêng biệt, góp phần tạo nên một Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, điều đó khiến tôi tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để xứng đáng với danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ”.

             Năm học mới 2020 – 2021 đã bắt đầu, khi dịch Covid – 19 đã quay trở lại nước ta và có những diễn biến phức tạp, chắc chắn sẽ còn rất nhiều khó khăn, lòng tự nhủ bản thân phải càng cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành công việc của mình, chung tay cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến thắng “giặc Covid”. /.

 

 

 

 

“BẢO TÀNG MỞ” - MÓN QUÀ TỪ MÙA COVID

 

                                                                      Thiếu tá Lê Thị Huyền – Khoa VH,NN

Có những điều đến và đi trong cuộc đời, trong công việc của bạn như một món quà ý nghĩa, để lại dấu ấn khó phai, để bạn thấy cuộc sống là sự thích ứng và sáng tạo không ngừng. Và món quà chúng tôi nhận được từ chính những sinh viên lính tuổi mười chín, đôi mươi, trong thời khắc đặc biệt của năm mở đầu cho thập kỉ thứ ba của thế kỉ XXI, là món quà ý nghĩa với nghề dạy học. Có lẽ, nó sẽ không phai mờ trong kí ức của mỗi chúng tôi.

Như thường lệ, đầu học kì 2 năm học 2019-2020, các giảng viên Bộ môn Khoa học xã hội - Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ lại háo hức đón khóa học viên mới tạo nguồn từ Trường Sĩ quan Lục quân 1. Niềm vui của những ngày đầu lên lớp và niềm mong đợi để được đưa các sinh viên lính đi tham quan, trải nghiệm và tổ chức các hoạt động thuyết trình, với các trò chơi lịch sử bổ ích tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam sau khi kết thúc môn học của chúng tôi, cùng sự háo hức của các học viên cứ lớn dần lên từng ngày.

Những thông tin về tình hình dịch bệnh Covid19 trên thế giới và trong nước đến dồn dập như vũ bão, tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến tâm tư tình cảm của mọi thành viên trong cộng đồng. Hồi hộp, mong ngóng, chờ đợi cho dịch lắng xuống, hy vọng dịch bệnh tan để các học viên từ mọi miền của Tổ quốc được đặt chân đến một trong những Bảo tàng có lịch sử lâu đời nhất, lưu giữ nhiều hiện vật tiêu biểu nhất, có giá trị nhất cho cả chặng đường dài dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhưng dịch covid19 cứ như những đợt sóng ngầm, lúc thì lắng xuống, lúc lại bùng lên dữ dội. Tình hình thực tế ấy khiến chúng tôi nghĩ tới kế hoạch tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng sẽ không thể thực hiện được. Quả đúng là như thế.

Chung tay, góp sức cùng với toàn dân phòng, chống dịch Covid19, hưởng ứng tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ Trường Sĩ quan Chính trị đã có nhiều biện pháp không những thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch, mà còn thể hiện sự sáng tạo, thích ứng với thực tiễn. Theo chỉ đạo của Cơ quan, trực tiếp là Ban Kế hoạch huấn luyện – Phòng Đào tạo, do giãn cách, cách li xã hội nên tạm dừng tất cả cá hoạt động học tập bên ngoài nhà trường, tạm thời chuyển đổi các tiết tham quan tại bảo tàng thành các tiết Viết thu hoạch. Đúng là thiệt thòi cho các học viên khóa CT25 của Tiểu đoàn 5, Hệ 2 và TS21 của Tiểu đoàn 1. Học viên sẽ viết thu hoạch về cái gì? Cảm nhận, suy nghĩ của học viên sẽ ra sao? Làm thế nào để 6 tiết ấy không nhàm chán? Làm thế nào để học viên hiểu được những giá trị ngầm ẩn mà lời cha ông, lời núi sông còn để lại, còn vang vọng trong những di tích, di sản, hiện vật? Những câu hỏi ấy đã thôi thúc chúng tôi tìm một cách thức tổ chức hoạt động phù hợp, để học viên được tự mình làm việc, tự mình tìm hiểu và thể hiện kiến thức, năng lực; được thể hiện tinh thần đồng đội, tinh thần đoàn kết; được góp ý, chia sẻ, trao đổi, tranh luận, phản biện và học hỏi lẫn nhau, đồng thời phải tạo không khí học tập thật phấn khởi. Vì thế, bộ môn Khoa học xã hội đã đề xuất với Khoa và Ban Kế hoạch huấn luyện - Phòng Đào tạo được tổ chức cho học viên làm việc nhóm, thuyết trình nhóm như một hình thức hoạt động ngoại khóa, có sự chuẩn bị trước theo chủ đề như: Trống Đồng Đông Sơn, Thành Cổ Loa, Phòng tuyến Như Nguyệt, Bãi cọc Bạch Đằng, Ải Chi Lăng và Bia Vĩnh Lăng. Đó là những di sản, di tích văn hóa vật chất độc đáo, đã được xếp hạng quốc gia, mang rất nhiều thông điệp, ý nghĩa từ quá khứ.

Yêu cầu trong thuyết trình là các nhóm phải làm nổi bật giá trị về nội dung, giá trị khoa học, giá trị lịch sử văn hóa và ý nghĩa giáo dục đối với thế hệ trẻ đối với từng chủ đề lựa chọn. Trên cơ sở các vật liệu có sẵn như giấy A0, bút dạ, phấn bảng và máy tính, có đại đội, học viên chuẩn bị trình chiếu, tự thiết kế slide, kết hợp sử dụng hình ảnh minh họa và video tư liệu; có đại đội các học viên thể hiện ý tưởng trên giấy A0, sử dụng bút dạ và phấn bảng để thuyết trình nội dung của nhóm.

Khi triển khai hoạt động cho đơn vị, điều trăn trở nhất của chúng tôi là vấn đề thời gian và nguồn tài liệu. Lịch học dày đặc, rồi học tách lớp, cả ngày có đại đội học 10 tiết. Nguồn tài liệu liên quan đến các chủ đề thuyết trình ít, trong khi số máy tính để học viên tìm kiếm, tham khảo các hình ảnh, thông tin trên mạng có rất ít. Từng bước mày mò, tìm kiếm, mượn tài liệu trên thư viện, tài liệu của giáo viên, với sự hỗ trợ của cán bộ đơn vị, học viên đã được tiếp cận với nhiều kiến thức, hình ảnh và thông tin trên mạng, cộng với sự sáng tạo của học viên trong thiết kế slide, kẻ, vẽ lược đồ, sơ đồ, vẽ họa tiết, hoa văn... Sự tài hoa, sự sáng tạo, sự say mê và nhiệt huyết, sự tự tin đã được thể hiện trong nội dung và phương pháp, ngôn ngữ thuyết trình. Lắng nghe và xúc động khi các học viên thể hiện niềm tự hào khi nói về những di tích, di sản gắn với bàn tay tài hoa của người Việt qua những họa tiết, hoa văn trang trí trên Trống Đồng Đông Sơn; giá trị nghệ thuật quân sự, lịch sử, văn hóa, xã hội và liên hệ trách nhiệm bản thân được lồng ghép khi phân tích, miêu tả sinh động quá khứ hào hùng của dân tộc và bài học cho hiện tại và tương lai. Lịch sử dân tộc chưa lúc nào lại trở nên gần gũi, chân thực, tự hào và ý nghĩa như lúc các học viên đang trao truyền kiến thức cho nhau như lúc đó.

Chúng tôi sẽ không quên mùa Covid19, sẽ không quên những “Bảo tàng mở” nho nhỏ mà mỗi đại đội, mỗi đơn vị học viên đã lập nên trong thời gian rất ngắn ấy. Năm học tới chắc chắn sẽ không có những “Bảo tàng mở” như vậy nữa bởi các học viên CT26 sẽ được đặt chân đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – nơi lưu giữ, bảo tồn những hiện vật vô giá trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt, nhưng trong kí ức của chúng tôi và nhiều học viên khóa CT25, TS21, “Bảo tàng mở” với những hướng dẫn viên nhiệt tình, xử lý tình huống khéo léo, với những khán giả ham hiểu biết cùng rất nhiều câu hỏi thú vị, ý nghĩa sẽ là một kỷ niệm đẹp. Cảm ơn “món quà mùa Covid” đã cho chúng tôi tin rằng thế hệ trẻ ở Nhà trường ngày nay vẫn luôn tự hào, luôn trân trọng và nguyện noi gương người xưa để học tập, cống hiến, trưởng thành.

45 NĂM – CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG

 

45 NĂM – CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG

 

Tác giả: Đại tá Phạm Ngọc Bình

                   (Nguyên học viên khóa 14, Trường Sĩ quan Chính trị - Quân sự)

 

 

                             Dòng sông chở nặng phù sa

                             Từ nơi Thành cổ nở hoa dâng đời

                             Tuổi xuân tươi đẹp sáng ngời

                             Con thuyền vượt sóng biển khơi huy hoàng

                                      Buổi sơ khai thật ngổn ngang

                                      Cỏ cây, lau lách, đất hoang bộn bề

                                      Cũng từ dạo đó bình minh

                                      Từ trong gian khó, mái trường dựng lên

                             Hội trường, nhà ở như nêm

                             Cảnh quan quy củ ngày thêm khác dần

                             Bao lần mở hội khai trường

                             Bấy lần thế hệ lên đường dựng xây

                                      Công lao biển cả các Thầy

                                      Dày công vun đắp tràn đầy tình thương

                                      Ôi bao kỷ niệm vấn vương!

                                      45 năm ấy – Chặng đường vẻ vang./.

                                                         

                                     

 

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

GIỌT NẮNG

 

 

 


(Mến tặng các thế hệ học viên!)

 

Giọt nắng vàng đầu hạ

Nhảy nhót hát khúc ca

Gió ẩn mình trong lá

Chơi trốn tìm lớp “A”

 

Gặp em lúc tiết ba

Nơi giảng đường yêu dấu

Mồ hôi đầm vai áo

Mà miệng cười thật tươi

 

Yêu sao giọt mồ hôi

Vị mặn mòi của biển

Tiết 1- 2 “Điều lệnh”

Cho đôi chân vững vàng

 

Tiết 3- 6 sẵn sàng

Tìm về trong vốn cổ

Những bài học xưa cũ

Làm mới mình hôm nay

 

Thực tiễn được dựng xây

Trên nền từng trang sách

Giọt mồ hôi tí tách

Trong nắng vàng sớm mai

 

Vững bước tới tương lai

Vững tin xây lý tưởng

Chính trị viên, chính ủy

Như sao sáng soi đường

 

Mai dù đi muôn phương

Bắc-Trung-Nam vạn dặm

Sắt son lời thề hẹn

Tiến bước dưới Quân kỳ!

 

                  Thiếu tá Lê Thị Huyền - Khoa VHNN

 

 

 

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

MÙA THU CÁCH MẠNG

 


 

Trung sĩ Lê Hồng Sơn Học viên Tiểu đoàn 3

 

 

Bài học giảng đường thầy viết chiều nay

Lịch sử những ngày mùa thu Tháng Tám

Mùa cách mạng như vầng dương tỏa sáng

Rạo rực lòng người, băng qua những đêm đông

 

Dân tộc Việt Nam, dân tộc anh hùng

Máu và hoa, ánh trăng quầng lửa

Mồng 2 tháng 9 Ba Đình lịch sử

Đồng bào ơi...tiếng gọi vọng núi sông!

 

Sao vàng bay rợp nắng cờ hồng

Chính quyền về ta, toàn dân làm cách mạng

Chủ nghĩa Mác-Lênin, niềm tin soi sáng

Độc lập đây rồi, đất nước của nhân dân

 

Người đã đem cơm áo muôn phần

Tìm con đường đấu tranh cho dân tộc

Dưới nắng Ba Đình nghe tuyên ngôn độc lập

Quốc khánh đây rồi, ơn Bác chẳng thể quên

 

Tin vui toàn thắng khắp mọi miền

Dân tộc Việt Nam đã anh hùng như thế!

Trùng trùng quân đi trong lời ru của mẹ

Rầm rập đất trời, sống mãi mùa Thu

 

Bài học cha ông đánh thắng quân thù

Bảy mươi lăm năm thành công cách mạng

Trung thành, sáng tạo, vững niềm tin theo Đảng

Niềm tự hào người chính trị viên

 

Sĩ quan Chính trị - Đại học niềm tin

Hân hoan chào mừng ngày thành lập nước

Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt

Viết khúc tráng ca nâng bước quân hành

 

Dưới Mái trường ươm những mầm xanh

Khát vọng trưởng thành, người nâng niu, ấp ủ

Bất khuất cha anh vang vọng từng con chữ

Quyết tử một lòng để Tổ quốc quyết sinh

 

Bốn lăm năm tiếp bước hành trình

Sống mãi niềm tin - khúc ca Sĩ quan Chính trị

Lý tưởng cách mạng là hành trang, vũ khí

Dâng hiến trọn đời Tổ quốc, nhân dân./.

                                          

 

 

 

 

 

         

 

 

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

NGÀY 20 - 11 TRONG TÔI



BÙI KIM BÂN[1]

Cuối tuần, ngồi bên chiếc bàn quen thuộc trong căn phòng nhỏ, tôi nhâm nhi ly cà phê. Đôi tay gõ theo nhịp thanh âm phát ra từ chiếc radio đã bạc màu. Bản nhạc quen thuộc của Nhạc sĩ Vũ Hoàng: “... Em yêu phút giây này/ Thầy em, tóc như bạc thêm/ Bạc thêm vì bụi phấn/ Cho em bài học hay…" chợt đưa tôi miên man tìm về miền ký ức.

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG THỂ NÀO QUÊN VỀ TRƯỜNG SĨ QUAN CHÍNH TRỊ


VỀ TRƯỜNG SĨ QUAN CHÍNH TRỊ
TRỊNH KHẮC TÍNH[1]
Là người lính đã tham gia chiến đấu trên các chiến trường, từ Chiến trường Quảng Trị cho đến đất nước bạn Lào anh em, đã trải qua nhiều chức vụ từ Tiểu đội trưởng cho đến Phó Tư lệnh Quân đoàn và được học qua nhiều trường trong Quân đội từ sơ cấp, trung cấp, cao cấp, chiến dịch, chiến lược; ở vị trí nào tôi cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và ở mỗi nơi đó đều để lại những kỷ niệm khó mờ phai.

LỜI TRI ÂN TỪ HỌC VIÊN


          LỜI TRI ÂN TỪ HỌC VIÊN

(Tặng các thế hệ phụ nữ Trường Sĩ quan Chính trị)

TRUNG DŨNG[1]


Bên “Vườn hoa Phụ nữ” giữa ngày xuân
Lòng Chị thầm ngân nga câu Quan họ
Lời mượt mà quyện màu xanh Thành Cổ
Thêu dệt bức tranh đẹp mái trường này.

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

HẸN ANH NGÀY TRỞ LẠI


HẸN ANH NGÀY TRỞ LẠI

VĂN LOAN[1]

Sĩ quan Chính trị chúng ta
Đi đến nơi đâu cũng là nhà
Thượng Lát, Chúc Đồng nơi dã ngoại
Tiên Sơn, Chúc Núi thao trường xa

NGƯỜI ƯƠM TRỒNG HOA SỐ


NGƯỜI ƯƠM TRỒNG HOA SỐ

NGUYỄN THỊ LAN[1]

Âm thầm, lặng lẽ trong đêm
Ánh đèn soi tỏ dáng em bên bàn
Từng bông hoa số lên trang
Bàn tay em nhập hàng hàng theo tên

LÁ THƯ GỬI MẸ


LÁ THƯ GỬI MẸ
TRẦN MINH TRƯỜNG[1]

Bắc Ninh, ngày 04 tháng 4 năm 2018

Mẹ thân yêu của con!
Đã lâu lắm rồi con không viết thư cho mẹ. Xã hội hiện đại, công nghệ thông tin phủ sóng, thiết bị nghe nhìn đa dạng nên mẹ con mình cũng được nói chuyện nhiều hơn. Nhưng mẹ ơi! Xin phép mẹ cho con ngày hôm nay được viết những dòng tâm tư mà con chưa bao giờ dám nói nhân ngày sinh nhật chung của cả hai mẹ con mình.

VẪN LÀ QUAN HỌ ÁO XANH


VẪN LÀ QUAN HỌ ÁO XANH
                                                              
  LÊ VĂN TUẤN[1] 
 
Phượng vĩ ngập ngừng giữa nắng tháng Ba
Như giấu kín nỗi niềm chưa muốn tỏ
Con lắc thời gian sao đưa vội vã
Đến lúc giã từ, đến lúc phải chia xa.

Thầy tôi


VẪN LÀ QUAN HỌ ÁO XANH
                                                              
  LÊ VĂN TUẤN[1] 
 
Phượng vĩ ngập ngừng giữa nắng tháng Ba
Như giấu kín nỗi niềm chưa muốn tỏ
Con lắc thời gian sao đưa vội vã
Đến lúc giã từ, đến lúc phải chia xa.