Pages

TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

CÁI KẾT CÓ HẬU

                                                      Truyện ký - ĐẶNG DUY THÁI[*]

Tháng 3 năm 1997, tôi từ Trợ lý Chính trị Hệ 2 (Chuyển loại sĩ quan) về làm Phó Đại đội trưởng chính trị Đại đội 3, Tiểu đoàn 5, Học viện Chính trị-Quân sự (nay thuộc Đại học Chính trị). Năm 1999, kết thúc khóa học, các học viên tốt nghiệp ra trường, nhận công tác, tôi tiếp tục nhận khóa mới, sau đó được đi học và khi tốt nghiệp Học viện Chính trị, lại tiếp tục làm đại đội trưởng quản lý học viên, thời gian cuốn mình vào công việc, nhiệm vụ. Sẽ không có dịp để ôn lại và nhớ về những kỷ niệm, về những học viên của mình nếu như Việt không xuất hiện tại phòng làm việc của tôi. Hôm ấy, vào chiều thứ Bảy, vừa triển khai nhiệm vụ cho tổ phương pháp xong, định ra sân chơi bóng chuyền cùng học viên thì Việt “Mượt” đột ngột xuất hiện. Tôi rất bất ngờ vì Việt công tác tại Tây Nguyên, sao lại … ở đây vào lúc này? Song, bất ngờ hơn là chiếc thiệp hồng Việt đưa cho tôi. Việt bảo: Em về quê đợt này cưới vợ, em ghé vào thăm và mời anh về dự đám cưới. Vợ ở Lạng Giang à? Cô ấy làm nghề gì? - Tôi hỏi
- Anh có nhớ cô bé Thủy không? Thủy con bố Toan ở Hữu Chấp ấy? - Việt cười.
Phải lục lại trí nhớ, tôi mới: “À...Thủy lém, cô bé cho anh em mình ăn “quả lừa” chứ gì?”.
- Còn ai nữa, vợ sắp cưới của em đấy. Việt tỏ vẻ tự hào, khẳng định. Tưởng hai đứa đã chia tay nhau từ hồi ra trường rồi cơ mà? - Tôi hỏi.
Như đọc được những băn khoăn và vẻ ngạc nhiên của tôi, Việt cười và nói: “Rồi em sẽ kể cho anh nghe...”.
Ngược thời gian 4 năm trước, khi đó tôi là Phó Đại đội trưởng chính trị Đại đội 3, Tiểu đoàn 5. Mùa hè năm 1997, Tiểu đoàn 5 được phân công làm công tác dân vận ở xã Hòa Long, huyện Yên Phong, TP Bắc Ninh. Đơn vị tôi đóng quân tại thôn Hữu Chấp. Với phương châm ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động) với nhân dân địa phương. Việt được phân công về sinh hoạt với gia đình chú Toan, Dũng “Diềm” ở cùng với tôi - Chỉ huy đại đội tại nhà bác Sử. Tôi đưa Dũng, Việt đi trước để “trinh sát địa bàn” - nắm các gia đình để khi đơn vị đến thì dẫn các học viên vào các nhà theo phân công. Ba anh em còn đang ngó nghiêng ở đầu xóm để hỏi thăm, bất chợt gặp một tốp các cô gái vừa đi vừa trò chuyện rất rôm rả. Nhìn thấy chúng tôi, các cô vừa hát vừa trêu: “Lúc còn thơ ngắm nhìn anh bộ đội, thấy ngôi sao sáng ngời... em thích lắm... ba anh bộ đội ơi!”. Tôi, Dũng và Việt đều đỏ mặt, chưa kịp phản ứng gì thì một cô trong tốp có dáng dỏng cao, ánh mắt đen nhánh ấn tượng, hai bím tóc ngang vai cứ lắc lắc thật ngộ nghĩnh bước ra: “Các anh về “dân vận” nhà ai đấy ạ?”. “À... à... tôi hỏi nhà chú Toan và bác Sử...” - Việt lúng túng. Cả mấy cô gái cùng nhìn nhau và cười to, càng làm chúng tôi bối rối. Cô gái tỏ vẻ nghiêm túc nhưng vẫn không che nổi nụ cười tủm tỉm khi chỉ nhà cho chúng tôi. Tôi, Dũng và Việt hăm hở bước vào nhà theo sự chỉ dẫn. Nhưng ngay sau đó, một lần nữa chúng tôi lại phải đỏ mặt vì... nhầm nhà!
Khi tôi đem chuyện này nói với bác Sử, Bác khẽ bảo: “Chắc là cái Thủy con nhà Toan. Nó là đứa lém lỉnh, học giỏi có tiếng ở vùng này đấy, nhưng khổ nỗi nhà khó khăn quá. Nghe đâu nó phải bỏ dở cấp ba...”.
Hôm sau, trong buổi quân dân cùng vệ sinh xóm ngõ, khi đi đôn đốc, kiểm tra đơn vị, tôi nhận ra Việt đang đứng cạnh cô gái bữa trước. Vẫn ánh mắt và bím tóc kia nhưng hôm nay sao thấy cô có vẻ buồn buồn. Việt kéo tôi ra một chỗ nói nhỏ: “Báo cáo anh, tối qua cả nhà ngồi uống nước, em vô tình hỏi chuyện học hành của Thủy, cô ấy chẳng nói gì mà chỉ ôm mặt khóc. Chú Toan nói như khẳng định: “Con gái học nhiều làm gì, chỉ cần biết chữ là được rồi. Học cao cuối cùng có khi lại về quê lấy chồng như ai. Hay lại như con ông Bình xóm trên ấy, bốn năm đại học tốn biết bao nhiêu tiền của, bây giờ vẫn chưa xin được việc, mà... tuổi ấy ở quê là nhỡ nhàng rồi đấy...”. Cô Toan thì thở dài: “Khổ thân con bé, học hành cũng khá, thầy cô, bạn bè quý mến lắm, nhưng nó còn những ba em nhỏ, nhà trông vào mấy sào ruộng, mà bây giờ học hành đóng góp nhiều quá. Nó muốn học lắm, tuần này phải ở nhà, cứ ai nói động đến việc học là khóc...”. Việt trầm ngâm rồi đề nghị với tôi: “Có lẽ đơn vị mình phải làm gì để giúp cô ấy, anh ạ”. Suy nghĩ một hồi, tôi gật đầu đồng ý và gợi ý cho Việt...
Tối đó, tại nhà Thủy, bên ấm chè xanh với sự có mặt của Tôi, Anh Phê (Trưởng thôn) cùng với Tiến “nhà báo”, Dũng, Năng và Diêm Thành, chuyện nổ như ngô rang với nhiều chủ đề, thế rồi chuyển sang chủ đề về việc học của Thủy một cách tự nhiên. Được sự phân tích chân tình, ngọn ngành của mọi người, cô chú Toan cũng đã xiêu xiêu... Mấy hôm sau, thầy Hiệu trưởng, cô Chủ nhiệm, rồi bạn bè cùng lớp tới thuyết phục gia đình và động viên Thủy tới trường. Cô chú Toan xúc động lắm… và Thủy lại được tiếp tục đến trường.
Nửa tháng dân vận trôi qua thật mau, bao nhiêu việc làm, tình cảm để lại trong lòng bà con nhân dân. Sáng Chủ nhật, Tôi đi chào tạm biệt, cảm ơn các gia đình. Trước khi hành quân về Trường, tôi tập trung đơn vị tại Sân kho Hợp tác xã, rất đông bà con, học sinh, thanh niên nam nữ có cả…ra tiễn chúng tôi; nhớ mãi những tình cảm nồng hậu mà bà con đã dành cho, nhiều người mắt đỏ hoe... Đồng chí Trưởng thôn thay mặt cho nhân dân phát biểu cảm tưởng, cảm ơn Nhà trường và đơn vị …Tôi thấy Thủy đứng cạnh Việt thật lâu mà chẳng nói được gì. Họ trao nhau cặp mắt long lanh, vương vấn…
Những ngày tháng sau đó, Việt và Thủy thường xuyên thư từ cho nhau. Thủy thì kể về sự giúp đỡ của thầy cô bạn bè, rồi động lực vươn lên vượt khó và những ước muốn trong tương lai. Còn Việt thì thổ lộ những ấn tượng ngày họ bên nhau, chuyện nghiệp binh, đời lính...Năm sau, Thủy tốt nghiệp cấp ba, thi đậu vào Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh. Thỉnh thoảng có dịp nghỉ họ lại đến thăm nhau và rồi yêu nhau lúc nào không biết. Tình yêu giúp họ có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn. Lúc ấy ai cũng nghĩ không thể có gì chia cắt họ được.
Năm 1999, cả hai đều tốt nghiệp ra trường. Thủy nhận công tác ở gần nhà, còn Việt được phân công vào Binh đoàn Tây Nguyên công tác. Không chỉ tôi mà ai cũng thấy ái ngại cho chuyện của hai người: Việt nhận công tác ở tận Tây Nguyên, quê thì ở Bắc Giang; còn Thủy lại ở Bắc Ninh, quả là bài toán khó! Mấy ngày liền, tôi thấy Việt dằn vặt ghê lắm, Việt đã quyết định nói lời chia tay với Thủy. Chúng tôi khi đó, ai cũng đều nghĩ rằng chỉ còn cách lựa chọn ấy thôi...
Tôi bỗng giật mình và trở về thực tại sau cái cười sảng khoái và rất duyên của Việt. Việt kể: Chuyện cứ như tiểu thuyết ấy, anh nhỉ. Sau đợt khủng hoảng tưởng không thể cứu vãn nổi, nào ngờ trong lúc em đang nghỉ phép ở quê, không biết cách nào mà Thủy về tận nhà em được. Liều thật! Cô ấy khóc và trách em “coi thường cô ấy”, rồi khuyên em nên “nghĩ lại”. Còn nghĩ thế nào được nữa vì em biết mình cũng còn yêu thương cô ấy lắm. Nhận công tác được vài tháng, dịp 22/12 năm ấy, Thủy lại khăn gói lặn lội vào Tây Nguyên thăm em anh ạ, nghĩ cũng tội. Trong chuyến đi ấy, biết được hoàn cảnh tụi em, Thầy Hiệu trưởng Trường cấp hai, đơn vị kết nghĩa thông cảm và đồng ý tiếp nhận Thủy anh ạ. Sau khi làm đám cưới ở quê xong mấy bữa, bọn em tính sẽ vào đó lập nghiệp, gắn bó với núi rừng Tây nguyên. Các cụ hai bên ban đầu cũng ái ngại, lo lắng và có ý can ngăn, nhưng giờ thì thông rồi...anh ạ.
Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của Việt, tôi biết em đang rất hạnh phúc. Lúc chia tay, Việt nắm chắc tay tôi và còn nhắc lại: “Hôm cưới em, nhất định anh phải đưa chị và cháu đến đấy nhé. Anh vừa là chỉ huy, vừa là “nhân chứng sống” trong câu chuyện tình của chúng em. Lúc đó, Anh em mình cùng hàn huyên ôn lại kỷ niệm của những ngày ở Hữu Chấp anh nhé, chắc là Thủy vui lắm đấy, giờ em xin phép về quê kẻo muộn”! Việt đi rồi, lòng tôi thấy vui lây niềm hạnh phúc.





[*] Khoa TLHQS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét