Cách
đây hơn 10 năm, khi đang là giảng viên Khoa Tâm lý học quân sự, với quân hàm Thượng
úy, tôi được Nhà trường cử đi dự nhiệm tại một sư đoàn bộ binh đủ quân làm
nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chức danh Phó Đại đội trưởng về chính
trị. Trong suốt một năm giữ cương vị công tác ở môi trường mới, tôi đã gặp
không ít khó khăn. Nhưng chính trong khó khăn đó, tôi đã có thêm nhiều kinh
nghiệm, bài học và cả những kỷ niệm khó quên. Có lẽ, kỷ niệm sâu sắc nhất đó là
bài học về thực tiễn xây dựng đoàn kết ở đơn vị cơ sở.
Ngay
sau khi mới đặt chân đến đơn vị, đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn giao
nhiệm vụ cho tôi về công tác ở đại đội không có cán bộ chính trị, yếu nhất
trong trung đoàn, cán bộ mất đoàn kết, cần phải tìm cách để nâng lên. Nghe vậy,
tôi rất băn khoăn và bắt đầu cảm thấy lo lắng. Buổi tối, sau khi nhận bàn giao
theo cương vị chức trách, tôi trằn trọc không sao chợp mắt được bởi tâm trạng
rối bời, lo lắng về nhiệm vụ phía trước.
Ngày
đầu tiên ở Đại đội, tôi liên tiếp được chứng kiến cảnh “chướng tai gai mắt” cũng như những yếu kém ở đơn vị. Buổi sáng,
khi thức dậy đồng chí Phó Đại đội trưởng vẫn ngủ. Khi Đại đội trưởng dẫn quân
ra thao trường, thì đồng chí này mới “bình
minh”. Lúc này, “liên lạc đại đội” từ thao trường về phục vụ “sếp phó quân sự”. Buổi chiều, trong
giao ban đồng chí Đại đội trưởng nhắc nhở việc khi sáng, nên đồng chí Phó Đại
đội trưởng đã phản ứng lại bằng hành động hất tung sổ sách, có lời lẽ bất nhã
và sau đó bỏ ra ngoài. Không khí buổi giao ban rất căng thẳng và mệt mỏi.
Mấy
hôm sau, vào một buổi chiều, tôi thực sự “thót
tim” vì cuộc ẩu đả, rượt đuổi giữa đồng chí Phó Đại đội trưởng và đồng chí
Trung đội trưởng khiến cả đại đội náo loạn. Bản thân tôi lúng túng, chưa biết
phải làm gì, phần vì là người mới về, phần vì tôi cũng chưa có nhiều kinh
nghiệm. Cũng may, cuộc ẩu đả diễn nhanh chóng kết thúc bằng việc Phó Đại đội
trưởng chạy về phòng mình và đóng cửa lại. Tuy nhiên, đồng chí này tuyên bố
rằng việc này không thể bỏ qua. Các chiến sĩ trong Đại đội rất hoang mang. Cũng
có người nhìn tôi với ánh mắt thăm dò.
Trong
hoàn cảnh như vậy, tôi xác định nhiệm vụ phải nhanh chóng nắm bắt tình hình,
kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn để xây dựng đoàn kết, trước hết tập trung vào mối
quan hệ trong chỉ huy đại đội và các đồng chí trung đội trưởng. Tôi đã chủ động
gặp gỡ, xin ý kiến từ phía lãnh đạo, chỉ huy Tiểu đoàn; đồng thời thường xuyên
sang các đại đội khác để nghe ngóng và học hỏi kinh nghiệm.
Về
phía đại đội, trước tiên tôi đã trực tiếp gặp gỡ riêng các đồng chí trung đội
trưởng để nói lên những băn khoăn, trăn trở của mình về việc mất đoàn kết ở đơn
vị, đồng thời nêu lên việc tìm cách giải quyết mối bất hòa giữa Đại đội trưởng
và Phó Đại đội trưởng. Các đồng chí trung đội trưởng ai nấy đều tỏ ra rất phấn
khởi và ủng hộ tôi. Không những thế, họ còn đưa ra “phương án” để tham khảo. Được sự ủng hộ chân tình của các trung
đội, tôi đã bớt lo và cảm thấy tự tin hơn.
Qua
nắm bắt tìm hiểu, tôi được biết: Quan hệ giữa Đại đội trưởng và Phó Đại đội trưởng
quân sự đang có sự mất đoàn kết và đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến những
yếu kém của đơn vị. Cả hai đồng chí này đều là những người có năng lực chỉ huy,
song do khác nhau về tính tình và những trở ngại của hoàn cảnh cá nhân nên mới
xảy ra tình trạng mâu thuẫn như vậy. Đồng chí Đại đội trưởng là người hiền
lành, trách nhiệm; còn đồng chí Phó Đại đội trưởng quân sự là người nóng tính,
ương ngạnh, đôi khi "bất cần".
Nhiều khi, Đại đội trưởng bị "lép
vế" hoàn toàn. Tôi còn được biết, cả hai đồng chí ít nhiều cũng có
biểu hiện về mặt tư tưởng do vấn đề quân hàm (đã 6-7 năm nay, Đại đội trưởng
vẫn quân hàm Đại úy, còn Phó Đại đội trưởng vẫn quân hàm Thượng úy).
Những
ngày sau đó, tôi và các trung đội trưởng đã có những hành động ăn ý. Đầu tiên, theo
yêu cầu của tôi, đồng chí Trung đội trưởng trong cuộc ẩu đả mấy hôm trước đã
chủ động lên gặp và xin lỗi Phó Đại đội trưởng quân sự. Bản thân đồng chí Trung
đội trưởng này cũng bất ngờ vì được Phó Đại đội trưởng quân sự hoàn toàn "đại xá". Còn tôi, tranh thủ
công việc cũng như thời gian rảnh rỗi để cải thiện quan hệ trong chỉ huy đại
đội. Những lúc trò chuyện với Đại đội trưởng hoặc Phó Đại đội trưởng quân sự,
tôi thường hỏi thăm về tình hình gia đình, chia sẻ với họ những khó khăn hiện
tại, động viên các đồng chí yên tâm công tác. Bên cạnh đó, tôi cũng bộc lộ tâm
tư, mong muốn được các đồng chí hợp tác, giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ dự
nhiệm. Tôi cũng mạnh dạn góp ý với các anh nên có những điều chỉnh về cách ứng
xử, về việc quan tâm cũng như thông cảm với cá tính từng người để tạo sự đoàn
kết, nhất trí, trở thành chỗ dựa tinh thần cho anh em trong đơn vị. Các đồng
chí trung đội, ngoài công việc cũng thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ
đại đội.
Cứ như vậy, sau một thời gian ngắn, tình hình
nội bộ của chúng tôi đã được cải thiện. Mọi người cảm thấy gần gũi, gắn bó, có
trách nhiệm với nhau hơn. Cách cư xử của Đại đội trưởng và Phó Đại đội truởng
quân sự đã thay đổi rõ rệt: Người thì bớt nóng tính, tôn trọng người khác hơn,
người thì tế nhị, ôn hoà nhưng cũng cương quyết hơn. Các đồng chí đều phát huy
tốt vai trò của người anh, người chỉ huy ở đơn vị. Các trung đội trưởng luôn
thực hiện tốt yêu cầu, mệnh lệnh chỉ huy.
Tôi còn nhớ dịp chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán, chính đồng
chí Phó Đại đội truởng quân sự
nêu ý kiến để đồng chí Đại đội trưởng được
nghỉ phép Tết và đề nghị được cấp trên chấp thuận. Không những vậy, chiều 30 Tết,
sau khi Sư đoàn báo động kiểm tra, Đại đội chúng tôi đảm bảo quân số 100%, đồng
chí Phó Đại đội trưởng quân sự lại tiếp tục lên gặp chỉ huy Tiểu đoàn đề nghị
cho tôi về đón Tết cùng gia đình, còn đồng chí sẽ chịu trách nhiệm quản lý, duy
trì đơn vị. Đón Xuân năm đó, Đại đội an toàn tuyệt đối.
Cũng nhờ sự
đoàn kết, nhất trí nên Đại đội đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi có nhiều
thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ cũng như tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn.
Đến khi chuẩn bị kết thúc dự nhiệm, Đại đội được đánh giá nằm trong tốp đầu của
Trung đoàn. Tôi được Trung đoàn tặng Bằng khen. Với tôi, đây là một phần thưởng
quý giá. Sau khi trở về Trường và tiếp tục công việc của người giảng
viên, những gì tôi tích luỹ được trong thời gian dự nhiệm đã có tác dụng lớn
trong giảng dạy, đặc biệt là kinh nghiệm, bài học về xây dựng đoàn kết, phát
huy yếu tố con người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét