Tác giả: Nguyễn Hữu
Nghị
Khoa Văn hóa Ngoại ngữ
Ai trong mỗi chúng
ta cũng mang trong mình những kỷ niệm, hoài bão khó phôi phai trong cuộc đời.
Tôi cũng đã có ngót 20 năm quân ngũ, kỷ niệm khó quên nhất, ấn tượng nhất có lẽ
là: “Hội thi Giáo viên giỏi toàn quân các học viện, nhà trường đào tạo bậc đại
học năm 2001” được tổ chức tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 với biết bao niềm vui,
sự luyến tiếc cứ đan xen vào nhau để rồi mỗi khi nhớ lại, như vừa mới hôm qua.
Là
một giảng viên của Trường Sĩ quan Chính trị, nhưng tôi từ một sinh viên tốt
nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được tuyển vào Khoa Văn hóa Ngoại ngữ,
từ đầu năm 1996. Được sống và làm việc trong môi trường binh nghiệp là
niềm tự hào của bản thân, vì thế mà lúc nào tôi cũng luôn luôn tâm niệm phải nỗ
lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Nhưng không phải công việc
nào cứ hạ quyết tâm là sẽ hoàn thành tốt vì đường bước tới đài vinh quang đâu
chỉ có hoa hồng trải rộng mà là sự lao tâm khổ tứ, rèn đức, luyện tài không
ngừng mệt mỏi. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ y nguyên cái cảm giác hôm được
đồng chí Nguyễn Văn Phú nguyên Chủ nhiệm khoa và đồng chí Bí thư Chi bộ Nguyễn
Đắc Trục giao nhiệm vụ. Với vẻ cương nghị trên khuôn mặt của hai Thủ trưởng,
tôi khó có thể đoán được đó là nhiệm vụ gì. Dường như thấy được sự lo lắng của
tôi, không để chờ đợi lâu, đồng chí Chủ nhiệm Khoa vỗ vai tôi nói: “sắp tới
đồng chí sẽ cùng 5 giáo viên khác của Nhà trường tham dự Hội thi Giáo viên giỏi
toàn quân tổ chức tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Đây là một vinh dự lớn, thành
công của đồng chí chính là đem lại vinh quang cho tập thể Khoa nói riêng và Nhà
trường nói chung nhưng nhiệm vụ này cũng rất nặng nề”. Từ phòng Thủ trưởng về,
trong lòng tôi biết bao cảm xúc cứ đan xen với nhau: vui thì ít, lo
lắng thì nhiều. Vui vì mình đã được Thủ trưởng Nhà trường, Thủ trưởng Khoa tin
tưởng vào năng lực công tác của mình, nhưng lo lắng liệu mình có thể hoàn thành
tốt trọng trách này hay không?
Tại thời điểm ấy – năm 2001, tôi vừa được vinh thăng quân hàm Thượng úy, với
tuổi nghề và tuổi quân vẻn vẹn 6 năm, kinh nghiệm công tác chưa nhiều. So
với 5 đồng chí trong đội tuyển, họ được xem là những “cây đa, cây đề” và đều có
quân hàm cấp Tá với nhiều kinh nghiệm đứng trên bục giảng, tuổi nghề có
đồng chí gần bằng với tuổi đời của tôi, nhiều năm liền là giáo viên giỏi
cấp Trường, nên họ có rất tự tin và đầy kinh nghiệm. bản lĩnh. Chỉ cần làm phép
so sánh với các đồng chí trong đội tuyển của Trường, chứ chưa nói gì tới các
học viện, nhà trường đào tạo bậc đại học trong toàn quân, tôi mới thấy mình nhỏ
bé nhường nào, vậy mà phải đối mặt với cuộc thi lớn mang tầm cỡ toàn quân, chỉ
nghe thế thôi mà đã “toát mồ hôi”. Nhưng với quyết tâm của tuổi trẻ, nghị lực,
ý chí của bản thân, tôi nghĩ mình phải nỗ lực, nỗ lực nhiều hơn nữa để
hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc mà cấp trên đã tin tưởng giao phó.
Hội thi Giáo viên giỏi năm ấy, các thi sinh phải trải qua 6 nội dung đua tài
bắt buộc: Thi giảng chuyên ngành, thi thực hành Tin học, thi ngoại ngữ (riêng
môn này được đăng ký theo sở trường của cá nhân), thi Điều lệnh đội ngũ, Điều
lệnh quản lý bộ đội, thi hiểu biết về kiến thức xã hội và môn bắn súng ngắn K54
bài 2. Đối với tôi, 6 nội dung dự thi thì môn chuyên ngành và ngoại ngữ là ít
phải lo hơn cả, nhưng không vì thế mà được chủ quan. Các môn còn lại quả thật
là rất khó, kiến thức rộng lại không phải là sở trường của mình. Vì vậy từng
nội dung thi tôi phải sắp xếp lịch tự ôn tập thật khoa học ngoài những giờ ôn
luyện tập chung do Nhà trường tổ chức.
Với sự quan tâm của Nhà trường dành cho Đội tuyển, mặc dù chỉ có mình tôi đăng
ký dự thi môn Tiếng Nga, nhưng Thủ trưởng Nhà trường chỉ đạo vẫn phải tổ chức
một lớp ôn luyện dành riêng cho tôi dưới sự huấn luyện của thầy Bạch Thái Cường
(nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngoại ngữ). Một thầy - một trò, nên rất nhiều thuận
lợi, thầy đã mang hết tâm huyết và nhiệt tình để bồi dưỡng kiến thức. Phải nói
rằng sau 6 năm không sử dụng đến ngoại ngữ, nhưng vốn từ vựng của tôi gần như
không hề rơi rụng, cốt lõi bây giờ là phải nắm chắc cấu trúc ngữ pháp và phát
âm. Thầy đã dạy cho tôi rất tỉ mỉ về giới từ, chuyển đổi các cách đến bộ phận
nòng cốt của câu, nhờ đó mà tôi dịch rất hay những mẩu truyện ngắn, viết những
đoạn văn theo chủ đề thầy giao tràn đầy cảm xúc. Chỉ sau một thời gian ngắn
huấn luyện tôi có thể trò chuyện được với thầy bằng vốn ngoại ngữ của mình. Hễ
cứ gặp nhau là thầy trò lại nói bằng tiếng Nga. Vì thế mà tôi đã yên tâm phần
nào cho môn thi này. Đây cũng là điều hết sức thuận lợi để năm 2003, tôi tự tin
dự kỳ thi tuyển sinh sau đại học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong khi
rất nhiều thí sinh dự thi sợ trượt môn ngoại ngữ.
1/3 số môn dự Hội thi Giáo viên giỏi đã phần nào được giải tỏa tâm lý. Còn lại
2/3 số môn, lại là những môn khó tôi phải dành nhiều thời gian và công sức. Tôi
luôn tâm niệm, môn càng khó thì không được ngại học, sợ học mà càng phải quyết
tâm cao độ, đấy chính là môn Điều lệnh đội ngũ, được thầy đánh giá “yếu nhất đội”. Thực tế tôi vốn không được đào tạo từ các trường quân đội nên
với tôi môn này là “sở đoản”. Đã thế, môn học đòi hỏi người học khi thực
hành phải thể hiện động tác chính xác, khỏe khoắn, khẩu khí to, rõ, dứt khoát.
Đã có lúc tôi tự động viên mình “chỉ có hô và thực hành động tác thôi” tại sao lại không làm được. Thế là ngay cả những
ngày cuối tuần được nghỉ, tranh thủ về thăm vợ con, nhà tôi ở trong khu tập thể
một trường THCS cách trường 40 km, tận dụng sân trường cuối tuần vắng vẻ
- đây là một không gian lý tưởng tôi quyết tâm luyện tập. Tôi tưởng tượng
mình đang chỉ huy một đơn vị vừa tập hô khẩu lệnh vừa rèn luyện động tác sao
cho thật thuần thục. Buồn cười nhất là những lúc đang tập, quay lại thì thấy
phía đằng sau có khá nhiều người lớn và cả trẻ em đứng xem, họ không hiểu tôi
đang làm điều gì kỳ quặc, mặt tôi đỏ bừng lên, cả người nóng ran. Vậy mà thật
ấn tượng làm sao, kết quả môn Điều lệnh của tôi thuộc tốp cao của Hội thi, điều
này hết sức bất ngờ với tôi và các thành viên trong đoàn dự thi của Trường Sĩ
quan Chính trị.
Môn bắn súng cũng không kém phần gay cấn, mặc dù đây là môn học ai cũng thích
vì nó khá thoải mái về tinh thần. Trước khi thi, chúng tôi có tới 12 buổi thực
hành tập bắn, mỗi người được giao một khẩu K54 trong suốt quá trình luyện tập,
trung bình mỗi buổi tập mỗi người bắn khoảng 50 viên đạn, tổng cộng 12 buổi là
600 viên. Nhớ lại những buổi ra thao trường, với cái nắng nóng như đổ lửa, mồ
hôi ai cũng vã ra như tắm, nước uống bao nhiêu cũng không thoả mãn cơn khát.
Khuôn mặt ai cũng sạm lại vì nắng gió thao trường nhưng lại rất rắn rỏi, tự
tin. Hiểu rõ những khó khăn ấy, Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất
cho anh em chúng tôi cả về vật chất lẫn tinh thần: xe đưa đón thuận tiện,
nước uống, khẩu phần ăn trưa phải đảm bảo dinh dưỡng, ngon miệng, vì thế mỗi
chúng tôi ai cũng tự nhủ phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa.
Trong
số các môn dự thi có lẽ ấn tượng nhất trong tôi phải kể đến đó là môn: “hiểu biết về kiến thức xã hội” – đây là thế mạnh của Trường Sĩ quan Chính trị.
Tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình là phải hoàn thành xuất sắc bài thi
môn này, quyết tâm trả lời vừa thuyết phục vừa thật ấn tượng đối với ban giám
khảo. Nhưng kho tri thức rộng mênh mông như biển cả mà sự hiểu biết của con
người chỉ là hạt muối giữa đại dương. Song tôi khá tự tin vào sự chuẩn bị của
mình. Với nội dung này chúng tôi phải thi vấn đáp, bốc thăm câu hỏi ngẫu nhiên
và cái khó là sau khi nhận câu hỏi phải trả lời ngay mà không có thời gian
chuẩn bị, nên đa số các thí sinh có tâm lí rất hồi hộp và lo lắng. Tâm trạng
tôi cũng giống như bao đồng chí khác, khi gọi đến tên mình, tim tôi như muốn
nhảy ra khỏi lồng ngực, không biết sẽ nhận nội dung gì. Mặc dù đã có 6 năm
đứng trên bục giảng, nhưng tâm trạng của tôi lúc này chẳng khác nào cậu
học sinh lần đầu đi thi. Nhưng khi có câu hỏi trong tay, tôi lấy lại bình tĩnh
và trả lời rành rọt, lưu loát cả câu hỏi chính lẫn câu hỏi phụ ban giám khảo
đưa ra. Hoàn thành bài thi , tôi cảm nhận được vẻ hài lòng từ tất cả các vị
giám khảo. Kết quả môn thi Hiểu biết tôi đã đạt điểm “thủ khoa” ở bàn thi.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, từ những môn mà tôi được đánh giá là “yếu nhất đoàn”, môn mà mọi người lo cho tôi thì tôi lại giành được ưu thế. Đây là động lực để tiếp thêm
sức mạnh cho tôi ở bài thi bắn súng. Trước môn thi cuối cùng (môn bắn súng) thì
Trường Sĩ quan Chính trị chỉ còn lại 2/6 đồng chí là tôi và Trung tá Nguyễn Đắc
Ngọt có điểm các môn thi đều đạt kết quả từ 8,6 trở lên – đây là điều kiện bắt
buộc để đạt danh hiệu “giáo viên giỏi toàn
năng toàn quân” với điều kiện nếu hoàn
thành bài thi bắn súng kết quả khá trở lên. Lúc này chúng tôi nhận được rất
nhiều lời động viên, khích lệ cũng như sự kỳ vọng của đoàn.
Bước vào môn thi cuối cùng - môn bắn súng ngắn K54 bài 2, đây là môn thi khó,
ngay cả những người bắn giỏi cũng không thể nói trước rằng mình sẽ hoàn thành
xuất sắc bài thi. Lần đầu tiên tôi được bắn súng K 54 trước một Hội đồng Giám
khảo cấp Bộ nên trong tôi không khỏi bồi hồi, lo lắng. Một cảm giác trong tôi
thật khó tả: tôi chỉ mong sao trời chóng sáng để được cầm súng tự tin mà ngắm
bắn. Nhưng lúc này đồng hồ mới chỉ đến số 12, rồi 1 giờ… 2 giờ…tôi vẫn không
sao thiếp đi được. Vậy là chỉ còn mấy tiếng nữa thôi, môn thi cuối cùng sẽ kết
thúc, đường lên đỉnh Olimpia thì dường như gần lắm rồi. Ai? Ai sẽ là người đầu tiên
chinh phục đỉnh Olimpia. Suy nghĩ miên man đến gần 3 giờ sáng tôi mới chìm vào
giấc ngủ.
8 giờ sáng của buổi thi cuối cùng bắt đầu, khác với những buổi tập ngoài thao
trường, hôm nay không phải là cái nắng cháy da cháy thịt mà là tiết trời thu nắng
nhẹ, dường như thời tiết cũng chiều lòng người. Nghe hiệu lệnh gọi, tôi bình
tĩnh, tự tin nhận súng vào vị trí. Nghe dứt hiệu lệnh, tôi nhanh chóng thực
hiện yếu lĩnh động tác, bóp cò ở cự ly 50 m, bia không đổ, lòng tự nhủ sẽ quyết
tâm ở cự ly 35m, lại bình tĩnh ngắm bắn, bóp cò, bia vẫn không đổ. Trong lòng
tôi đôi chút dao động, lúc này chỉ còn một viên đạn ở cự ly bắn cuối cùng: 25m,
bia hiện ra rất gần và rõ. Tôi lại nheo mắt ngắm bắn, bia đã đổ nhưng với cự ly
này người bắn chỉ đạt yêu cầu đồng nghĩa với kết quả tôi chỉ đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi chuyên ngành cấp Bộ” chứ không phải danh hiệu “Giáo viên giỏi toàn năng toàn quân”. Lòng buồn bã tôi rời vị trí bắn, đồng chí
trưởng đoàn cùng đồng đội đã động viên tôi rất nhiều nhưng nỗi buồn này thật
khó nguôi ngoai.
Hội thi khép lại, mặc dù 6 đồng chí chúng tôi đều đạt danh hiệu: “Giáo viên dạy giỏi chuyên ngành cấp Bộ”, nhưng trong lòng mỗi chúng tôi đều cùng chung
một tâm trạng: niềm vui xen lẫn nỗi buồn và cả sự luyến tiếc. Giá như mình có
bản lĩnh hơn. Giá như mình có nhiều kinh nghiệm hơn nữa. Giá như…giá như…Biết
bao nhiêu cái giá như cứ hiện hữu, để rồi mỗi khi ngẫm lại, lại tìm thấy bài
học mới.
Mọi điều tưởng như vừa mới hôm qua thôi, thế mà đã gần 15 năm rồi kể từ Hội thi
ấy, anh chàng Thượng uý năm xưa nay đã mang quân hàm Trung tá với cương vị Phó
chủ nhiệm Khoa, nhớ về những ngày tháng ấy, trong tôi vẫn nguyên vẹn nhiệt
huyết của ngày nào. Giờ đây, nếu cho tôi một điều ước, tôi sẽ ước mình lại được
đứng trong đội tuyển năm xưa để lại có thêm một cơ hội chinh phục đỉnh cao tri
thức, có thêm kinh nghiệm được học hỏi đồng nghiệp các trường bạn trong
toàn quân.
15 năm đã trôi qua, nhớ lại Hội thi ấy tôi thầm nhủ: thành công của
mỗi con người ít ai mà không trải qua thất bại, nhưng “thất bại là mẹ thành
công” điều quan trọng là phải
lạc quan, tin tưởng, biết ngẩng cao đầu nhìn về phía trước để phấn đấu vươn
lên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét