TRẦN VĂN HUẤN[*]
Những ai đã từng học tập, công tác tại
Trường Sĩ quan Chính trị, đều được nghe đôi làn Quan họ, được thẩm thấu văn hóa
xứ Kinh Bắc nhân văn và thơ mộng. Văn hoá Quan họ nói chung, dân ca Quan họ nói
riêng đều thẩm thấu, hiện diện trong tâm hồn, tình cảm, trở thành nét riêng có
ở những thế hệ chính trị viên được đào tạo tại Trường.
DUYÊN QUAN HỌ
Học viên Trường
Sĩ quan Chính trị tụ hội từ các địa phương trong cả nước. Khi về trường học tập,
mỗi người ở một vùng văn hóa khác nhau, nhưng họ đều gặp nhau ở “sự tình cờ” với
dân ca Quan họ. Có người chưa từng nghe, từng biết đến Quan họ, cũng có người
biết bập bõm về loại hình nghệ thuật đã được UNESSCO công nhận là Di sản văn
hoá phi vật thể của nhân loại này. Thông qua quá trình học tập, rèn luyện, được
giao lưu, kết nghĩa, trực tiếp tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục
thể thao, hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận - hè tình nguyện, các
làn điệu dân ca Quan họ trữ tình, phong tục, tập quán và văn hoá truyền thống
đặc sắc của người dân Kinh Bắc cứ từng bước, tự nhiên thâm nhập, ngấm dần trong
họ. Với mỗi học viên, Văn hóa Quan họ, người dân Quan họ và vùng đất Kinh Bắc
bỗng "hóa tâm hồn" trở nên thân thương lạ kỳ, trở thành quê hương thứ
hai khó phai mờ. Âu đó cũng là cái duyên,
cái tình sâu sắc của người Quan họ trong cách cảm, cách nghĩ.
QUAN
HỌ ÁO XANH, QUAN HỌ YẾM ĐÀO
Học tập, rèn luyện hằng ngày là quá trình học viên
Trường Sĩ quan Chính trị thẩm thấu văn hoá Quan họ. Họ tiếp nhận văn hoá Quan
họ bắt đầu từ những hoạt động có sự hòa hợp giữa truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và Văn hoá Kinh Bắc xưa
và nay, hòa quyện "Quan họ áo xanh, Quan họ yếm đào". Đó là sự kế
thừa và tiếp thu từ lễ kết nghĩa của
các đơn vị quân đội với nhân dân, tục kết
chạ của các làng Quan họ, tạo thành lễ kết
thân giữa các đơn vị trong Nhà trường với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân
địa phương.
Theo truyền thống, tục kết chạ giữa hai làng Quan họ cổ, ngoài thú chơi Quan họ, họ còn
coi nhau như anh em ruột thịt một nhà, liền anh gọi liền chị là chị Cả, chị Hai,
liền chị gọi liền anh là anh Cả, anh Hai, rất tôn trọng, ân tình nhưng không
bao giờ lấy nhau. Tiếp thu tinh thần ấy, lễ kết thân giữa Nhà trường với cấp
uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương có sự vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình
hình hiện nay. Trong đó, liền anh, liền chị của hai làng Quan họ có quan hệ mật
thiết gắn bó, trên phương diện tình cảm quân dân - cá nước, cùng nhau xây dựng
và bảo vệ quê hương.
Vào lễ kết
nghĩa - kết chạ, thường là màn mời nước,
mời trầu, để rồi, “Tay
em bưng cái cơi có đựng miếng trầu”, các liền chị Quan họ e thẹn, mở đầu
bằng canh hát:
“Em là con gái Trà Xuyên
Kết duyên Quan họ cùng miền Sĩ quan”
Thoáng bối
rối, chút thẹn thùng, liền anh mặc áo lính đáp rằng:
“Quý nhau như bạc, như vàng
Mong
sao ta được tao khang một nhà”
Buổi ban
đầu nhanh chóng qua mau, cùng thời gian, các hoạt động giao lưu thường xuyên
được tổ chức qua lại giữa hai đơn vị. Các buổi nói chuyện, mạn đàm, trao đổi về
văn hoá Quan họ, tìm hiểu về mục tiêu đào tạo và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”
diễn ra với mật độ ngày càng dày hơn, thắm thiết và trữ tình hơn. Qua đó, học
viên không những hiểu thêm về Quan họ, biết thưởng thức Quan họ, mà còn biết
vận dụng những nét tinh hoa của văn hoá Quan họ vào nâng cao năng lực tiến hành
công tác đảng, công tác chính trị theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Nhà trường.
Sự giao thoa văn hoá còn được thể hiện
rõ nét trong hoạt động dân vận - hè tình nguyện do Nhà trường và cấp uỷ, chính
quyền địa phương phối hợp tổ chức. Đây là hình thức đưa học viên về gần dân, để
hiểu dân và vận động nhân dân, thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, nhằm rèn luyện kỹ năng tiến hành công
tác dân vận cho học viên.
Lễ đón “Bộ đội về làng” một lần nữa chứng tỏ sự
hoà hợp đến lạ kỳ giữa văn hoá Quan họ và tâm hồn người cán bộ chính trị tương
lai. Hành khúc “Các anh về /xôn xao làng
tôi bé nhỏ/Nhà lá đơn xơ nhưng tấm lòng rộng mở” hoà cùng các giai điệu “Em là con gái Bắc Ninh”,“Đường bạn kim loan, “Tuấn Khanh, “Ngồi tựa
song đào”...cứ dùng dằng nửa ở nửa về, rồi nhen lên một thứ tình cảm thiêng
liêng mà trong sáng, keo sơn mà kết đoàn, thuỷ chung mà son sắt, mặn nồng. Đó
là sự hoà quyện giữa nét đặc trưng “vang,
rền, nền, nẩy” của dân ca Quan họ với giai điệu trữ tình cách mạng của quân
đội nhân dân. Sự duyên dáng, tình tứ của các chị Hai Quan họ, vẻ tư lự của các
anh Ba mặc áo lính cuối cùng cũng đến hồi kết, họ nhắc nhở nhau rằng:
“Chơi
xuân kẻo lỡ xuân thì
Trông
qua, ngoảnh lại còn gì là xuân
Chơi
xuân chớ bỏ mùa thi
Ngoảnh
qua, trông lại còn gì thời gian”
Rồi, người hối hả bước vào kỳ thi quan
trọng nhất của đời học viên, bên thì ấp ủ một tương lai hạnh phúc sẽ đến như
một lẽ tự nhiên.
NHỚ
MÃI QUAN HỌ
Thời gian thấm
thoắt thoi đưa, con thuyền tri thức cũng đến ngày cập bến, đưa những cán bộ chính
trị tốt nghiệp ra trường. Ấy cũng là lúc, “Mái
trường trong tôi” vang lên, làm xao động, quyến luyến, bịn rịn lòng người.
Tạm biệt nhé các anh lên đường với bao hoài bão ấp ủ, tạm biệt thầy cô, tạm
biệt mái trường yêu dấu, tạm biệt vùng quê Kinh Bắc với những làn điệu Quan họ
đằm thắm mượt mà. Ở đó có các liền anh, liền chị duyên dáng “trong vành nón ba
tầm/trong tà áo tứ thân”. Câu hát giã bạn cất lên bằng cả tấm lòng của người Quan
họ, như nhắn gửi lời hẹn ước cho một tương lai tươi sáng:
“Em là con gái Bắc Ninh
Gửi tấm thịnh tình anh chính trị viên
Người đi trăm ngả, khắp miền
Nhớ về Quan họ - cái duyên chung tình”
Thời gian
có thể làm phai nhạt mọi thứ, có người còn nhớ, còn về thăm, thậm chí là xây
dựng hạnh phúc trên quê hương Quan họ, cũng có người khó một lần trở lại chốn
xưa, song người dân Quan họ, văn hoá Quan họ vẫn là nét đẹp trong tâm hồn mỗi
học viên Trường Sĩ quan Chính trị, để họ mãi mãi thuộc về nơi đây. Văn hoá Quan
họ mãi là mạch sống, là hơi thở để họ nhớ về cội nguồn đào tạo, là động lực
thôi thúc họ cống hiến, phát triển và trưởng thành, xứng đáng là “Người anh, người chị, người bạn” của bộ
đội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét